Tuesday 24 March 2009

ĐIỀM GỞ CỦA TRIỀU ĐẠI CỘNG SẢN

Năm trước đọc tin thấy cổng An Hoà ở Kinh thành Huế bị sét đánh sập ngay trong lúc đang diễn ra lễ tế đàn Nam Giao, cứ nghĩ là sự kiện ngẫu nhiên của thiên nhiên. Báo Người Lao Động lúc đó đưa tin vào 2 ngày liên tiếp về 2 sự kiện này: ngày 4/06/2008 lễ tế đàn Nam Giao diễn ra từ 5g đến 22g; cùng ngày lúc 16g thì một tiếng sét lớn đã đánh sập cổng An Hòa thuộc Kinh thành Huế. Cái tên này ngày xưa nhà Nguyễn đặt để cầu mong sự an lạc hòa bình cho đất nước, đàn Nam Giao cũng được nhà Nguyễn xây dựng để tế trời đất cầu mong mưa thuận gió hòa cho quốc gia xã tắc. Sau gần cả thế kỷ được xây lên nay cổng An Hòa lần đầu tiên bị trời đánh sập ngay vào lúc chính quyền cho tiến hành một lễ tế trời đất đầu tiên tại đàn Nam Giao của Cộng Sản, quả là điềm không lành chút nào. Nhưng cũng có thể rằng chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên.

Đến tối 24/03 vừa rồi, một người bạn cho biết đang đang có mưa to gió lớn và sấm sét ở Huế đang lúc diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc, người này nói rằng thời tiết như vậy khá thất thường ở Huế, báo Giác Ngộ cũng có mô tả hiện tượng này. Nhưng sáng nay (26/03) đọc Tuổi Trẻ thì mới biết rằng sét đã đánh vào đúng tối diễn ra lễ tế này làm hư hại cửa Quảng Đức thì tôi không cho rằng sự việc này và sự việc tương tự năm ngoái là ngẫu nhiên nữa. Các triều đại phong kiến xưa thích dùng chữ quảng đức để ngụ ý rằng đức độ của vua trải rộng khắp thiên hạ, ngày nay “Đảng ta” cũng ra rả suốt rằng ơn đảng bao trùm khắp toàn dân để ép buộc mọi người phải “yêu” đảng. Chắc trong lễ tế Xã Tắc tối hôm đó cũng phạm thượng báo công với trời đất như vậy. Người ta có thể lừa bịp mọi người và lừa bịp chính mình, nhưng không thể lừa bịp Thượng đế được. Trời đã giáng những điềm gở xuống triều đại Cộng Sản này, báo hiệu một sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Chắc chắn là sẽ có những thay đổi lớn và bất ngờ.

Nhiều người xác nhận rằng anh 6 Phong (CTN Nguyễn Minh Triết) có mặt ở Huế vào ngày 24/03, lúc diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc, nhưng người thân cận thường đi cùng anh 6 thì không dám xác nhận qua điện thoại rằng anh 6 có tham gia lễ tế này, chỉ nói “đang bận, gặp nhau đi rồi nói chuyện”. Cũng nghe nói rất nhiều trong thời gian qua, anh 6 cảm thấy rất bất an cho quốc xã tắc (hy vọng thật là như thế) nên rất chú ý đến các giải pháp cúng tế để cầu mong cho đất nước thoát khỏi cảnh khủng hoảng và tránh được những bất ổn và xáo trộn. Nhưng từ đầu năm đến nay anh 6 làm gì cũng đều gặp điềm gở.

Lễ Khai Ấn đền Trần ngay sau Tết anh 6 cũng chủ lễ nhưng lại bị một “cái tát” choáng váng khi chứng kiến những bộ trưởng tranh giật những tờ ấn đầu tiên được đóng bởi anh 6, vì người ta tin rằng những cái càng đầu tiên thì càng linh hiển. Trong số những bộ trưởng này có Trần Văn Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Quốc Triệu, Võ Hồng Phúc, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, đây là điều rất khó nghe nhưng hoàn toàn là sự thật. Anh 6 đã giận tái mặt quát (một điều hiếm thấy từ anh 6 vốn điềm đạm) rằng các anh còn tệ như vậy trách sao dân không như thế. Lúc anh 6 nói cũng là lúc hàng chục ngàn người dân đang phá các hàng rào của công an để tràn vào đền nhằm tranh giật ấn, hàng ngàn công an, cảnh sát an ninh được bố trí để đảm bảo trật tự an toàn đã hoàn toàn vô hiệu.

Nghe nói năm nay anh 6 cũng sẽ dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới, chẳng biết sẽ xảy ra điềm gở gì nữa không. Nhưng có vẻ anh 6 ngày càng bế tắc khi mong muốn sự tốt đẹp, an hòa, quảng đức trong một chính thể thối nát đến như thế này. Đúng là lực bất tòng tâm.

Cập nhập thêm vào lúc 22h, 30/03: BCT rất sợ tin tức về điềm gở này lan rộng khắp dân chúng nên anh 4 đã có chỉ thị ngay tối 24/03 rằng không được đưa tin có liên kết giữa sự kiện diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc và sét đánh hư cửa Quảng Đức. Do vậy mà chúng ta thấy rất ít báo đưa tin này, có đưa như Tuổi Trẻ thì mãi đến 26/03 mới ra tin nhưng cũng không dám nhắc lại ngày 24/03 có diễn ra lễ tế đàn Xã tắc trong bản tin đó.

Có sợ cũng chẳng tránh khỏi đâu.

Thursday 19 March 2009

CHUYỆN VỀ GIA ĐÌNH PHÒ MÃ VÀ SUI GIA CỦA TT

Chắc trong chúng ta sẽ có lần thắc mắc sao lại không có mã di động 099 mà chỉ có 090, 091, 092, 093, 094, 095, 096, 097, 098. Năm trước thấy Bộ Thông Tin Truyền Thông nói hết kho số 09 cho di động nên mới ra kho số 012… Sắp tới mọi người sẽ có câu trả lời vì sẽ thấy một “chú” di động mới ra đời, có dịch vụ di động mang mã số 099-xxx-xxxx. Nhà cung cấp dịch vụ này mang tên Indochina Telecom. Chắc ai cũng sẽ đang thắc mắc Indochina Telecom của ai mà lại được dành cho mã di động đẹp nhất Việt Nam như thế.

Indochina Telecom được thành lập dưới danh nghĩa của Tổng cục II Bộ Quốc Phòng nhưng nguồn vốn và chi phối thực tế từ ông sui của anh 3 Thủ Tướng – ông Nguyễn Bang (cha của Nguyễn Bảo Hoàng hay Henry) và con rễ của ông ấy (Thomas O’Cornor, tức anh rễ của Hoàng), có sự tham gia của ông Đỗ Trung Tá – nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT. Ngoài ưu tiên được dành mã số đẹp, công ty viễn thông này còn có một đặc tính khác lạ hơn so với các công ty di động khác hiện nay, đó là nó không phải bỏ ra hàng trăm triệu Đô-La để đầu tư nhà trạm phát sóng, máy móc thiết bị đắt tiền tốn kém, mà tất cả các công ty di động của Tập Đoàn Bưu chính Viễn Thông VNPT bao gồm Vinaphone, Mobifone và một phần của Viettel Mobile sẽ phải “phát sóng thay” cho nó. Mà nó cũng chẳng phải bỏ tiền ra mua các sóng này, thay vào đó nó chơi rất “cha” bằng cách khi nào nó bán được dịch vụ, tức là khách hàng 099 mà có gọi và phát sinh doanh thu thì nó ăn chia phần trăm lại cho các công ty di động này. Đúng là một hợp trong trong mơ cũng không thể có được. Chẳng phải bỏ tiền ra đầu tư ban đầu tốn kém, cũng chẳng phải chịu rủi ro nếu mua sóng theo dung lượng nào đó mà chưa biết bán tới đó hay không. Ấy vậy mà một công ty di dộng có mã đẹp như thế chỉ cần vài chục triệu Đô-La Mỹ là hoạt động được rồi. Dự kiến là siêu lợi nhuận vì di động bình thường (phải đầu tư lớn) đã lời rất nhiều, còn cái này thì chẳng phải đầu tư gì đáng kể.

Mấy chục triệu Đô-La này phía Tổng cục II không phải bỏ ra mà gia đình ông sui anh 3 lo hết. Nhưng trên thực tế, khoản tiền này cũng chẳng phải là tiền túi của gia đình này mà nó có nguồn gốc thật đáng xấu hổ. Những ai đọc các loạt bài ca ngợi phò mã Henry cách đây hơn một tháng trên các báo lề phải thì chắc vẫn còn nhớ các bồi bút nhắc tới VITC là một công ty được vị phò mã (tức là lúc đó chưa phải phò mã) Henry thành lập và phát triển nó lớn mạnh đến mức doanh số cả chục triệu Đô. Doanh số lên cả chục triệu là thật nhưng sự thật đầy đủ thì hãy đọc tiếp dưới đây.

Nguyễn Bang khi mới sang VN móc nối được với Đỗ Trung Tá và mua chuộc tay quan tham này cho một kế hoạch mà nhiều người tin là được toan tính từ đó đến nay. VITC do con rễ của ông Bang là Thomas O’Cornor thành lập, đang buôn linh tinh đủ thứ từ xử lý môi trường, PVC, xuất khẩu ở VN thì đột ngột nhảy vào lĩnh vực viễn thông và có ngay hợp đồng với công ty Viễn thông Quốc tế VTI (trực thuộc VNPT) để chuyển lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về VN với trị giá cả triệu Đô-La Mỹ một tháng. Điều kỳ lạ là nếu như các công ty khác làm ăn tương tự với VTI (như AT&T, France Telecom, …) đều phải thanh toán trước thì VITC luôn được thanh toán sau với trị giá có thời điểm lên đến gần 50 triệu Đô. Việc làm ăn này bắt đầu từ 2002 và lúc đó Henry đang làm Giám đốc kinh doanh cho VITC, anh rễ Thomas làm Tổng Giám Đốc, ông bố Nguyễn Bang làm Chủ Tịch. Ai cũng thắc mắc tại sao những tay Việt kiều này lại có thể chiếm dụng một số lượng vốn hàng chục triệu Đô thường xuyên và lâu dài như vậy. Có một số quan chức VNPT muốn đưa vấn đề này ra nhưng đều thất bại vì lúc đó ông Đỗ Trung Tá đã trở thành Bộ Trưởng Bộ BCVT từ cái ghế Chủ Tịch HĐQT VNPT.

Số vốn chiếm dụng này gia đình Nguyễn Bang dùng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và mở một nhà hàng tên Vine ở số 1 Xuân Diệu, Hà Nội. Đến tháng 3/2008 VITC tuyên bố đóng cửa VPĐD tại VN với số nợ VTI lúc đó lên tới 23 triệu Đô-La Mỹ, và giải tán toàn bộ nhân viên đang làm việc ở đây. Tuy nhiên sau đó, theo đề nghị của ông Tá và lãnh đạo VTI nên VITC duy trì một văn phòng giả, lẳng lặng chuyển hết máy móc về số 1 Xuân Diệu, cho thiết bị chạy không tải, không có lưu lượng để qua mắt các nhà chức trách để duy trì cái hợp đồng với VTI nhằm chiếm dụng 23 triệu lâu dài. Kế hoạch của gia đình Nguyễn Bang cấu kết với Đỗ Trung Tá (dù giờ đây không còn làm Bộ Trưởng nhưng vẫn còn ảnh hưởng mạnh trên chính trường, đặc biệt là với ông 3 Dũng) là VTI sẽ xóa nợ 23 triệu này bằng những thủ đoạn như đối soát cước, mua lại cổ phần của VITC bên Mỹ, … Tuy nhiên việc này đến hiện nay đang gặp phản đối của nhiều người trong VNPT nên đến giờ vẫn không thực hiện được. Nhưng số tiền 23 triệu Đô thì vẫn nằm trong túi gia đình Nguyễn Bang và bây giờ được tiếp tục đầu tư vào Indochina Telecom.

Trong quá trình lừa đảo trên, có một số nhân viên VITC, người nước ngoài lẫn người Việt cũng bị gia đình Nguyễn Bang lừa đảo và lợi dụng nên rất bất bình. Họ đang tìm cách đưa vấn đề này ra ánh sáng. Donald Berger (người Canada) đầu tiên hùn hạp với Thomas làm nhà hàng Vine, mới đây bị Thomas hất văng khỏi nhà hàng này. Hay như Larry Grace, một luật sư ở Chicago và là bạn học đại học của Hoàng phò mã, có thời được Thomas (thường gọi là Tom) mời sang tư vấn vụ bán một phần cổ phần của VITC cho VNPT (25%). Tuy nhiên chỉ sau 1 thời gian ngắn làm việc với gia đình này thì Larry phát hiện ngay ra đây là một công ty lừa đảo và ngay lập tức bỏ dở dự án và rút về nước làm Thomas và Hoàng vô cùng cay cú. Larry đã nhận ra bản chất lừa đảo của Tom và gia đình Nguyễn Bang từ rất sớm đã có một lần khởi kiện Tom ở Singapore liên quan đến việc lừa đảo và sử dụng vốn sai mục đích. Tom đã phải tốn khá nhiều tiền để lo lót vụ này êm xuôi. Larry cách đây vài năm đã gửi thư đến VNPT tố cáo bản chất lừa đảo của VITC và dụng ý xấu của Tom nhưng chả ai quan tâm. Nhưng Larry tuyên bố sẽ không bỏ cuộc trong việc vạch mặt việc chiếm dụng 23 triệu Đô tiền của nhà nước (tức của nhân dân).

Tôi tin là câu chuyện này sẽ bị lôi ra ánh sáng, không sớm thì muộn. Anh 4 cũng đã nắm được thông tin này, hy vọng sẽ là một bằng chứng tốt để trừng trị Đỗ Trung Tá – thân tính của anh 3.

Saturday 7 March 2009

Bô-xít Tây Nguyên - ông Mạnh, ông Dũng và Tướng Giáp

Rất nhiều người đang bức xúc về việc Trung Quốc đưa người qua khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Cuối năm 2007 tôi nghe dự án này bị chính ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không ủng hộ, thế nhưng đến cuối năm 2008 thì cũng chính ông ấy đã mở cửa một cách quá hớp cho nó. Điều này đã thôi thúc tôi đi tìm sự thật.

Ý tưởng của đề án này có từ thời ông Phan Văn Khải còn làm Thủ Tướng, nhưng với bản tính dè dặt ông Khải đã không thúc đẩy dự án này. Để không mất lòng ông Mạnh, ông Khải trì hoãn tiến trình nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng chứ không lên tiếng phản đối. Khi nhậm chức vào giữa năm 2006, ông Dũng tiếp tục kéo dài cách thức trì hoãn này hơn nữa. Đến đầu năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào khủng hoảng trong lúc nội bộ Đảng đang lục đục. Đầu tháng 6 ông Mạnh đi thăm Trung Quốc đề tìm kiếm giải pháp cho vấn đề kinh tế, sau đó 2 tuần ông Dũng đi Mỹ cho cùng một mục tiêu. Trung Quốc nói với ông Mạnh rằng sẽ bỏ tiền ra cứu kinh tế Việt Nam với điều kiện tiên quyết là phải cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và chấp nhận có đến khoảng 20 ngàn công nhân làm việc tại đây. Còn Mỹ thì hứa với ông Dũng để đặt bẫy rằng sẽ tiếp ứng cho Việt Nam 20 tỷ USD mà không cần phải kêu gọi đến WB hay IMF.

Ông Dũng trở về với thái độ hân hoan và cả huênh hoang về kết quả mình đạt được, còn ông Mạnh thì nặng trĩu vì với yêu cầu của TQ như vậy thì ông chẳng nghĩ ra cách nào để thông qua BCT. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào vẫn động viên rằng chỉ cần ông Mạnh quyết tâm thì ắt sẽ có cách đạt được, và 2 bên đồng ý thiết lập đường dây điện thoại nóng để kịp thời thông tin ứng cứu “cho nhau”. Ngay sau đó bộ Ngoại giao TQ liên tục đề nghị Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức TQ nhưng ông Dũng đều tìm cách thoái thác. Vào lúc ấy mọi người đều thấy rằng ông Dũng đang nghiêng về phía Mỹ và đang trông đợi vào sự giúp đỡ của Mỹ, đang tìm một cửa để lấy điểm với Mỹ để củng cố cho thế lực, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế của ông ấy. Nhưng chờ mãi chẳng thấy kết quả lời Mỹ hứa, chỉ thấy hết đoàn này đến đoàn khác vào VN để ký những thỏa thuận ràng buộc nhằm xí chỗ. Tình hình kinh tế trong nước diễn biến ngày càng xấu, tháng 8, tháng 9, tháng 10 năm ngoái căng như dây đàn sắp đứt. Thời điểm để TQ ra tay đã chín mùi. Ông Dũng không còn cách nào khác, buộc phải đi TQ trong một tình thế bị động.

Các yêu cầu về nghi lễ ngoại giao long trọng lúc đó đều bị TQ bác bỏ trước chuyến đi. Nhưng ông Dũng không còn cách nào khác phải chấp nhận lên đường. Nhưng thật bất ngờ, nghi lễ đón tiếp đã diễn ra long trọng nhất mà TQ đã từng dành cho các nguyên thủ quốc gia. Kết quả của chuyến đi được loan báo là thành công ngoài mong đợi. TQ đã đạt được lời hứa sẽ phê duyệt ngay dự án bô-xít Tây Nguyên cho TQ trước cuối năm 2008, không những được phép đưa người vào VN, TQ còn được những quy chế quản lý công nhân, công trường tại khu vực khai thác theo những những đặc thù riêng của mình, gần như một lãnh địa theo quy chế ngoại giao riêng. Ngược lại, TQ sẵn sàng ứng trước tiền cho VN trong việc khai thác này một cách “lặng lẽ” để VN có nguồn lực đối phó với khủng hoảng kinh tế. Con số là bao nhiêu thì đến giờ vẫn chưa có ai tiết lộ được. Khi tôi “khen” TQ đi một nước cờ cao tay thì một trợ lý trước đây của ông Mạnh nói rằng “đối xử với người tham như ông Dũng thì có khó gì, ông ta có quyền lợi thì chuyện gì cũng xong hết”.

Các công việc nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng nhanh chóng được hoàn thành một cách sơ xài với đa số các ý kiến đồng ý. Chính phủ trình ngay lên cho BCT và được biểu quyết thông qua với đa số tuyệt đối. UBTVQH cho ý kiến ủng hộ mà chẳng hề thông qua Quốc Hội. Việc phê duyệt nhanh chóng như vậy gây bất bình cho rất nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả các thành phần trong quân đội. Những ai am hiểu quân sự đều biết rằng Tây Nguyên là một dãy đất hẹp nhưng rất trọng yếu, chính nhờ khống chế được Tây Nguyên dễ dàng vào đầu năm 1975 mà chiến dịch mùa xuân sau đó đã kết thúc nhanh chóng vào 30/4. Ai chiếm được Tây Nguyên thì sẽ khống chế được toàn vùng nam bộ, và vì nó hẹp nên cũng sẽ dễ dàng cắt đôi đất nước Việt Nam tại Tây Nguyên này. Trong quân đội có một số tướng lĩnh rất bất bình với kiểu “bán nước” này nhưng không làm gì được. Họ phải nhờ đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Dù biết rằng sức khỏe Tướng Giáp rất yếu và tránh bị chấn động, nhưng không còn cách nào khác, mọi người hy vọng uy tín của ông sẽ làm thay đổi được vấn đề này. Và quả thật, Tướng Giáp khi nghe chuyện đã thật sự bị sốc, ông không ngờ người ta dâng Tây Nguyên một cách dễ dàng như vậy.

Bức thư ông gửi cho ông Dũng đăng trên Vietnamnet chỉ là một phần rất ngắn để đưa ra công luận. Toàn bộ nội dung những lời của Tướng Giáp phân tích rất rõ nguy cơ mất nước như thế nào khi để TQ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Nó được gửi đến cho cả BCT chứ không chỉ cho ông Dũng. Nhưng kết quả thì mọi người đã biết, cái dự án chết tiệt đó vẫn được tiến hành bất chấp lời can ngăn của vị Tướng già hết mực yêu nước. Vì lý do này mà Tướng Giáp đã bị suy sụp phải nhập viên, tưởng đã không qua khỏi hồi đầu năm. Có người bảo rằng ông đã không có hồng phúc để ra đi trước khi phải chứng kiến cái sự suy tàn của chế độ mà ông đã góp phần xây dựng nên nó bằng chính tấm lòng yêu nước yêu dân của mình. Nhưng tôi cho rằng ông đã vượt qua được kỳ thập tử nhất sinh vừa rồi là điều phúc lớn cho nhiều người

Ông Dũng từ chỗ “lơ là” quay qua ủng hộ và đẩy mạnh tiến độ dự án một cách bất ngờ. Để “xoa dịu” Tướng Giáp, ông ấy đã chỉ đạo dành những dự án đầu tư béo bở của nhà nước cho những người con của Tướng Giáp. Có lẽ đoán trước được điều này, Tướng Giáp đã nhắc nhở những người con của mình phải cẩn thận, giữ mình. Những người con của Tướng Giáp không đi theo nghiệp chính trị, các anh là những doanh nhân. Không biết là những Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam có đứng vững trước những sự tấn công các loại đặc quyền không. Một người thân (đang còn trong quân đội) với Tướng Giáp hiện nay nói rằng các anh này là những người hiếu thảo, sẽ biết giữ thanh danh cho gia đình. Người này cũng nói rằng may mà bây giờ Trương Gia Bình – chủ tịch FPT không còn là con rễ của Tướng Giáp, nếu không thì dễ dàng mua chuộc nhân vật này để gây ảnh hưởng trong gia đình Tướng Giáp. Tướng Giáp đang khỏe dần lên, đã có thể nghe được người khác đọc sách báo và truyền đạt lại ý của mình.

Một nguồn tin cho hay rằng trong chuyến đi TQ nói trên, ông Mạnh đã gặp phải một đòn độc thủ của TQ. Một nhân vật cấp cao trong Đảng CSTQ nói với một nhân cũng cấp cao (xin được dấu tên) trong đoàn VN đi theo ông Mạnh rằng nếu phía VN không đáp ứng các yêu cầu của phía TQ thì rất có thể một số tài liệu liên quan đến thỏa thuận của lãnh tụ Hồ Chí Minh với lãnh tụ Mao Trạch Đông về vấn đề biên giới lãnh hải sẽ được công bố, mà điều này thì hoàn toàn bất lợi cho uy tín của Đảng CSVN. Ông Mạnh ở vào thế không còn lựa chọn nào khác.

Một số người am hiểu cho biết rằng hiện nay số công nhân TQ có ở Tây Nguyên đã lên đến con số gần 1 vạn người dù rằng công việc khai khoáng chưa thực sự bắt đầu, chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Monday 2 March 2009

TBT NÔNG ĐỨC MẠNH VÀ ODA NHẬT

TBT Nông Đức Mạnh sắp đi Nhật. Đây là yêu cầu rất cương quyết của Nhật trước khi tuyên bố nối lại ODA hồi tuần trước. Phía Nhật đã không chấp nhận đón tiếp Thủ Tướng theo nghi lễ chính thức nên ông Dũng phải hủy bỏ chuyến đi Nhật dự kiến từ cuối tháng 1. Thay vào đó Nhật đề nghị gửi một Bộ Trưởng đại diện Chính phủ để cam kết những vấn đề kinh tế, và sau đó phải là TBT viếng thăm để có những cam kết chính trị. Ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao đã khéo léo tránh né trách nhiệm đi Nhật, ông Võ Hồng Phúc phải thực hiện nhiệm vụ này.

Những cam kết của Chính Phủ về quyền lợi kinh tế cho Nhật mà ông Phúc chuyển đến đã làm Nhật thỏa mãn và ra tuyên bố nối lại ODA cho VN, nhưng họ nhấn mạnh rằng tiền sẽ chỉ giải ngân khi nào những cam kết chính trị được thực hiện. Chưa rõ những cam kết chính trị mà Nhật đòi hỏi là gì nhưng nó đang làm cho BCT rất bối rối. Nhật cho biết họ sẵn sàng tuyên bố chấm dứt ODA bất kỳ lúc nào nếu VN không thực hiện đúng các cam kết. Đảng và Nhà Nước đã chấp nhận trả những cái giá rất lớn để có được lời tuyên bố nối lại viện trợ của Nhật để trấn an dân chúng, nay vì sơ xuất gì mà Nhật đổi ý thì chắc chắn rằng sẽ gây rối loạn trong nước. Không biết những cam kết chính trị Nhật đòi hỏi là gì nhưng chắc chắn phải là những gì rất to tát vì Nhật rất tự tin nhắc lại nhiều lần với phía Việt Nam là tất cả những nhà tài trợ khác dù đã cam kết cho VN trong năm 2009 nhưng đều đang chờ quyết định của Nhật để hành động tương tự.

Ông Mạnh đang trùng trình tìm cách né tránh nhưng chưa biết có tìm được cách gì hay không vì áp lực không chỉ đến từ bên ngoài mà cả bên trong. Lý do là cho dù nội bộ bị chia rẽ nặng nề nhưng tất cả đều có một quyền lợi chung là sự tồn tại của Đảng để bảo vệ đặc quyền cá nhân, do vậy ông Mạnh khó lòng tránh né trước đòi hỏi của những người “đồng chí”. Một vị từng là trợ lý cho ông Mạnh vào khóa trước cho biết ông Mạnh tâm sự rằng đang rất bối rối, vì nếu yêu cầu của Nhật có gì liên quan đến sự quyền lợi của Đảng thì chắc chắn ông ấy không dám có ý kiến làm vui lòng Nhật, mà nếu như thế thì sẽ ảnh hưởng đến giải ngân ODA - mà cái này cũng đe dọa đến sự tồn vong của Đảng. Một chuyến đi lành ít dữ nhiều cho sự nghiệp của ông ta.

Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phải đáp ứng những yêu cầu gần như mệnh lệnh của Nhật: bắt Huỳnh Ngọc Sỹ phải diễn ra trong lúc Thái tử Nhật đến VN, không được trễ hơn dù chỉ một ngày; Nhật sẽ được quyền sở hữu từ 75% đến 100% các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ lực mà từ trước đến giờ chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được tham gia vì lý do an ninh quốc gia (như viễn thông, dầu khí, điện lực, ….); việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực này thì phía Nhật sẽ được ưu tiên là đối tác và cổ đông chiến lược. Chính Phủ đã chỉ thị sửa đổi hàng loạt các nghị định, thậm chí sửa luật “trình” Quốc Hội nhằm tạo cơ sở luật để thực hiện các cam kết cho Nhật. Dự thảo luật viễn thông cho phép tất cả các thành phần kinh tế không phân biệt sở hữu được quyền tham gia vào việc kinh doanh hạ tầng viễn thông (trước giờ phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối), hay đề xuất chia tách tập đoàn EVN thành những đơn vị nhỏ hơn mới nghe cứ tưởng là để tốt hơn cho đất nước nhưng động lực của chúng thực ra là để đáp ứng cam kết với Nhật.

Quyền lợi kinh tế thì dễ dàng bán nhưng quyền lợi chính trị sẽ đổi chác thế nào thì chưa rõ Nhật sẽ đánh nước cờ tiếp theo ra sao. Nhưng tới bây giờ, bằng nước cờ ODA, Nhật đã đoạt được những quân cờ quan trọng và chiếm được một thế cờ chủ động. Một tình thế thật đáng buồn cho dân tộc, đúng là thời đại toàn cầu hóa, người ta không cần dùng đến súng đạn để mở rộng thuộc địa. Xem TV hôm qua và hôm nay thấy họ toàn ca ngợi các nhà đầu tư Nhật, ca ngợi VN là địa điểm đầu tư hấp dẫn, mà đúng là hấp dẫn quá đi chứ.

Chuyện về Tướng Giáp hẹn các bạn kỳ sau.