Saturday 16 May 2009

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN: HUYỆT MỘ TRIỀU ĐẠI CỘNG SẢN TỰ ĐÀO CHÔN MÌNH

Tôi vừa đi một vòng các nơi, lên Tây Bắc, về Tây Nguyên, từ đây theo đường biên giới đến Campuchia, qua tận Thái Lan rồi đáp máy bay trở lại Việt Nam. Nơi đâu cũng nghe đầy nỗi bức xúc về sự kiện bô-xít Tây nguyên của người Việt trong lẫn ngoài nước. Ở một vùng sâu vùng xa, khi nói chuyện với một người dân tộc Nùng, tôi gợi ý về cái tên bô-xít Tây Nguyên thì người ấy không biết. Nhưng khi nói đến cái vụ mà Tướng Giáp đã phản đối thì ông ấy nhanh mồm “à, thì ra cái vụ mà cái bụng Đại Tướng mình không ưng nhưng cụ Nông vẫn quyết làm theo Tàu”. Có nhiều người biết rất rõ sự việc, cũng không ít người chỉ biết loáng thoáng nhưng kỳ lạ là bất chấp mức độ hiểu biết đa số đều phản đối, bức xúc bằng những lời như “mấy ổng chừ cái chi cũng bán”, “hậu quả thì thế hệ sau lãnh chứ các vị và con cháu các vị có làm sao đâu”, “đó có khác gì là bán nước”, “lịch sử sẽ ô danh mấy tay chóp bu hiện giờ đến muôn đời”, “khi già muốn hồi hương về nước chắc cũng chẳng còn miếng đất mà chôn”, “giới trí thức lên tiếng đang bị chụp mũ và sỉ nhục”, Còn nhiều chuyện mà hôm nay không có thời gian để kể, nhưng chung quy tôi cho rằng Đảng đã đi một nước cờ sai lầm nhất: tự đào mồ chôn mình như cách nói của một người uyên bác mà tôi có dịp trao đổi.

Sự kiện bô xít Tây Nguyên giờ đây không chỉ làm phân rã lòng dân ở mọi thành phần mà còn gây chia rẽ sâu sắc giới chóp bu cầm quyền và đang tạo dần nên một thế trận quyền lực mới trong BCT. Ông Mạnh và ông Dũng đã từng đối đầu nhau quyết liệt thì giờ đây nhờ vụ này mà đang sít lại gần nhau, cùng với Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đang dần hình thành nên một phe cánh thân Trung Quốc để ủng hộ các chính sách về bô-xít Tây Nguyên có lợi nhất cho Trung Quốc. Trong khi đó, ông Sang đang từ chỗ cùng hành động với ông Mạnh thì nay lại cùng với ông Triết xoay chuyển quyết sách về vấn đề này sao cho ít bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc nhất. Ông Sang và ông Triết dù vẫn phải đồng tình với chủ trương cho khai thác vì nó đã được Đại hội X ra nghị quyết nhưng đã một mực phản đối quyết liệt những gì ông Mạnh và ông Dũng dành cho Trung Quốc. Cuộc đấu này đã diễn ra rất căng thẳng trong tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Trong BCT chỉ có 3 người tỏ rõ quan điểm phản đối những “vấn đề Trung Quốc” trong sự kiện bô-xít Tây Nguyên là ông Triết, ông Sang và ông Trương Vĩnh Trọng; trong khi đó phía ủng hộ lại đến 5 người: ông Mạnh, ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Hồ Đức Việt và ông Tô Huy Rứa; 7 người còn lại thì không bày tỏ quan điểm rõ ràng. Đây là tình trạng hiếm thấy đối với sinh hoạt của BCT: thông thường các vấn đề được đưa ra xem xét ở BCT thường được quyết định bỏ phiếu theo phe nhóm: người ta sẽ bỏ phiếu cho những giải pháp nào thuộc phe nhóm của mình vào lúc ấy chứ không xem xét đến những yếu tố khác của giải pháp. Nhưng lần này, đối với vấn đề bô xít Tây Nguyên thì đã không diễn ra như vậy. Dù chiếm thiểu số lúc ban đầu nhưng cuối cùng những người phản đối việc tạo lợi thế cho TQ đã thành công. Cuối tháng 4, BCT do ông Sang thay mặt đã ký một thông báo về vấn đề này trong đó loại trừ việc cho phép lực lượng lao động khổng lồ của TQ trong các dự án khai thác đồng thời với việc cho phép nước ngoài sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp được khai thác ở Tây Nguyên.

Bản thông báo này cũng đề cập đến một số vấn đề khác giúp giải tỏa phần nào sức căng của dư luận, của các nhà trí thức và các vị tiền bối. Trên thực tế, ông Triết và ông Sang đã kín đáo hậu thuẫn cho các tầng lớp trong xã hội lên tiếng phản đối gay gắt vấn đề để tạo một áp lực lớn lên những người chưa bày tỏ ý kiến trong BCT. Không phải tự nhiên mà Tuổi Trẻ dám đưa một phóng sự về lao động phổ thông TQ trên các công trường Việt Nam, việc dừng loạt bài sau đó là một bước lùi chiến thuật để bảo toàn lực lượng. Tương tự như vậy, mọi người có thể thấy hàng loạt các bài về bô xít Tây Nguyên được đăng lên rồi bị gỡ xuống trên các báo điện tử. Người đọc khá bức xúc về điều này nhưng cách làm này đã đạt được hiệu quả trong tình thế vừa qua khi mà cả Chính phủ (Bộ TTTT) và Đảng (Ban Tuyên giáo TW) đứng về phe ủng hộ TQ, thông tin đã đến được công chúng và nhanh chóng loang tỏa đến hầu hết các phương tiện khác trên mạng mà các lãnh đạo các tờ báo vẫn có thể “nghiêm chỉnh chấp hành” mệnh lệnh đục bỏ của Đảng và Chính phủ. Còn nhớ, giữa tháng 2 vừa rồi, cách đưa các bài kỷ niệm cuộc chiến biên giới 1979 chống TQ cũng phải làm theo cách như vậy. Người của TQ nằm trong hàng ngũ lãnh đạo từ trung đến cao cấp, đến cả chóp bu của Việt Nam hiện nay, không ai có thể nói là bao nhiêu, nhưng hầu hết đều cảm nhận được là rất đông và sức ảnh hưởng rất lớn. Hãy xem cái cách mà Bộ Công thương phản ứng sau khi có kết luận của BCT về bô-xít Tây Nguyên thì rõ. Thứ trưởng Lê Dương Quang xuất hiện ngay trước báo chí chỉ khoảng 1 tuần sau khi BCT ra kết luận. Phát biểu của ông ta có ý qui chụp đối với ý kiến của các nhà khoa học, ngụ ý rằng đó là những lời lẽ của các thế lực thù địch. Thái độ hằn học này thể hiện sự bực tức của TQ vì đã chưa đạt được trọn vẹn ý đồ của mình trên vùng đất Tây Nguyên của Việt Nam. Sự việc đang nóng hổi mới đây – cũng chính Bộ Công thương lập ra trang web với tên miền của Chính phủ Việt Nam để cho TQ tha hồ thể hiện quan điểm của TQ về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa bằng những tên gọi và giọng điệu hoàn toàn của TQ – cho thấy TQ đã thọc sâu vào bộ máy và nhân sự của chính quyền nước ta như thế nào. Bộ Thông Tin Truyền Thông cũng cho thấy nhiều biểu hiện phục vụ đắc lực cho TQ, nhưng chúng ta sẽ nhắc đến vấn đề này vào một dịp khác, với nhiều cơ quan của Đảng và Chính phủ khác nữa.

Trở lại cuộc đấu giữa ông Triết và ông Sang với ông Mạnh và ông Dũng về vấn đề bô-xít Tây Nguyên. Ngoài việc khôn ngoan sử dụng áp lực của các tầng lớp trong xã hội, ông Triết đã thành công trong việc chống “Trung Quốc hóa” nhờ có sự hậu thuẫn của các lực lượng quân đội. Ông Triết đã được anh cả Văn (tên thân mật của Tướng Giáp) ủng hộ và nhờ đó đã mau chóng kết chặt được với những vị trí quan trọng trong quân đội, từ trung ương đến các quân khu địa phương. Nhờ vậy ông Triết đã có thể thể hiện và thực hiện những quyết định quan trọng của mình khá độc lập. Nhiều người biết rằng sự liên kết giữa ông Triết và ông Dũng thời gian qua mang tính tình thế, nếu ông Triết không có cách tách khỏi (hay dựa vào) sự liên kết này thì sẽ nhanh chóng đánh mất uy tín của mình trước đa số, không chỉ trong dân chúng mà cả trong các lực lượng của nhà nước. Nhưng điều quan trọng là chính vụ bô xít Tây Nguyên đã đưa ông Triết đến một thời cơ để tạo ra lực lượng và sự ủng hộ cho mình. Người ta đang bàn đến một khả năng ông Triết và ông Sang sẽ “tái hợp” để hình thành nên một thế lực mạnh, tạo ra một thế trận mới về quyền lực trong BCT sau khi hai ông “đoàn kết” để chống “Trung Quốc hóa” vụ bô-xít Tây Nguyên. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn sẽ là một cột mốc đặc biệt đánh dấu sự xoay chuyển và chia rẽ đường lối trong Đảng.

Về phần ông Mạnh và ông Dũng, với lực lượng ủng hộ hùng hậu lúc ban đầu có lẽ hai ông đều bất ngờ trước kết quả cuối cùng diễn ra bất lợi đối với mình. Lo sợ trước làn sóng phản đối ngầm và cả phản đối ra mặt trong quân đội, cả hai ông đã tổ chức đến thăm Tướng Giáp nhân dịp chiến thắng Điện Biên Phủ để hy vọng gỡ lại phần nào sự khinh xuất và xem thường ảnh hưởng của vị Tướng già, anh cả của quân đội. Ông Dũng sau khi đã phớt lờ bức thư của Tướng Giáp về bô-xít Tây Nguyên thì giờ phải xuất hiện trước truyền hình hứa hẹn sẽ tiếp thu kỹ các ý kiến của cụ. Còn ông Mạnh thì đã phải dằn lòng xuống để đi thăm Tướng Giáp dù ông ta chẳng thích thú gì. Ông ta đã rất khó chịu nói với các trợ lý của mình khi xem một phóng sự cũng phát vào dịp đó trên VTV ca ngợi “hơi quá” cá nhân và uy tín của cụ Giáp. Trong chuyến đi vừa rồi, tôi có nói chuyện với một vị tướng ở Quân khu 5, ông này bình luận về 2 chuyến thăm của ông Dũng và ông Mạnh đến nhà Tướng Giáp vừa rồi bằng 2 chữ: “lố bịch”. Tình thế này cũng đặt ông Mạnh và ông Dũng vào thế bất lợi khi làm việc với Nhật.

Việc tập trung vào mục tiêu rất ngắn hạn để chứng mình lời khẳng định kinh tế sẽ phục hồi vào tháng 5 của ông Dũng đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ làm gia tăng thâm hụt dẫn đến cạn kiệt ngân khố, trong khi đó những khoản tiền phải trả để mua vũ khí sắp đến hạn cũng chẳng hề nhỏ. Ngân sách đã và đang rất cần những khoản tiền khổng lồ. Số tiền mà TQ hứa sẽ ứng trước cho việc khai thác bô-xít đã không xảy ra vì những đòi hỏi của TQ đã chưa đạt được đầy đủ. Con số này đến hiện nay vẫn còn rất bí mật, nhưng tờ Wall Street vừa đưa ra con số rằng Việt Nam nói cần hơn 15 tỷ đô để đầu tư cho việc khai thác và mong muốn được nhận trước gần hết số tiến này. Chắc chắn rằng TQ sẽ chưa chịu
chấp nhận kết quả hiện giờ và sẽ tiếp tục ra đòn. Nhưng trước mắt chính quyền đang đứng trước một tình thế ngặt nghèo về tài chính. Chuyến đi Nhật của ông Mạnh cuối tháng 4 chỉ mới thực hiện được những cam kết mang tính nguyên tắc, phải chờ cụ thể hóa sau chuyến đi Nhật sắp tới của ông Dũng. Nhật hiện nay đã nắm trong tay đặc quyền đối với nền kinh tế VN nhờ hiệp định tư do song phương ký hồi đầu năm nhưng tới hiện nay vẫn chưa hề xúc tiến đẩy mạnh đầu tư. Vốn ODA đã được nối lại cho các dự án cũ đang chạy, còn những dự án mới dù đã cam kết nhưng họ vẫn đang kéo dài lấy lý do đảm bảo các thủ tục chống tham nhũng mà Quốc hội Nhật yêu cầu phải đảm bảo. Chưa thể đoán được Nhật sẽ ra đòn thế nào trong cuộc cờ này sắp tới.

Cho dù kết quả thế nào thì cũng chẳng thay đổi được hình ảnh của đất nước. Chúng ta có thể hình dung hình ảnh của đất nước mình trước Nhật, trước Trung Quốc giờ đây chẳng khác gì Lào trước Việt Nam. Liên tục trong vòng chỉ vài tháng, hết người đứng đầu Đảng, nhà nước, Chính phủ Lào thì đến đoàn quân sự, đoàn kinh tế của Lào vào VN. Chúng ta cũng nghe những tuyên bố VN ca ngợi tình đoàn kết với Lào, ca ngợi các vị lãnh đạo của Lào nhưng chắc có lẽ cái tốt nhất mà Lào nhận được trong lòng dân chúng VN là sự thương hại. Nói như thế thật đáng buồn nhưng đó là sự thật và phải nhìn vào sự thật thì mới hy vọng có thể tìm được điều gì đó làm cho nó tốt hơn. Lòng dân đang sắp sôi lên. Cho dù đã có những điều chỉnh nhưng không vì thế mà bô-xít Tây Nguyên có thể lắng dịu. Tôi nói chuyện với nhiều người thì họ nghĩ rằng kết luận của BCT chẳng qua là “nghi binh” hoặc giả vờ để dân chúng bớt bức xúc. Ngay cả khi tôi cố tình giải thích sự điều chỉnh như vậy là tốt hơn rất nhiều và nhiều vị lãnh đạo đã phải rất vất vả để đạt được điều đó thì những người nói chuyện với tôi vẫn tỏ thái độ hoài nghi, cho rằng trước sau gì TQ cũng đạt được mục đích thôi. Càng nói họ càng phẫn nộ. Thái độ đó dễ dàng tìm thấy ở rất nhiều tầng lớp khác nhau, kể cả giới bình dân ít hiểu biết sâu sắc. Một giáo sư nói với tôi rằng điều ấy thể hiện thái độ bài TQ của người Việt, nhưng cũng có vị nói rằng nó thể hiện sự mất niềm tin vào chính quyền. Cho dù thế nào thì cả 2 điều này đều sẽ dẫn đến sự phân rã sâu sắc trong xã hội và tinh thần chống đối gia tăng trong dân chúng. Chúng sẽ khoét sâu những mâu thuẫn trong xã hội đến một ngày sẽ trở thành một cái huyệt mộ khổng lồ, với tác động cộng hưởng của những yếu tố và tác động khác, sẽ dẫn đến những biến động khó lường trước được – giống như Liên Xô và các nước Đông Âu, CS bị chôn vùi trong một đêm. Những người như anh 6 Phong và anh 4 Sang nếu tiếp tục giữ quan điểm trong vấn đề bô-xít Tây Nguyên này thì tất yếu sẽ dẫn đến việc phải dựa vào dân, vào lòng dân chứ không còn có thể dựa vào Đảng được nữa.

Bài hôm nay dài quá rồi, hẹn các bạn sẽ đề cập đến những chi tiết và khía cạnh đã được đề cập chưa rõ trong những bài tiếp theo.

Saturday 2 May 2009

MINH CHỦ SẮP XUẤT HIỆN

Đầu tháng 12/2008 lúc mới bắt đầu trình làng cái blog này tôi có viết một enrty MINH CHỦ Ở ĐÂU RA. Đến cuối tháng 4 vừa rồi, sau gần 5 tháng ra đời thì bổng dưng cái entry này xuất hiện nhiều comments thể hiện mong mỏi minh chủ xuất hiện. Cũng trong thời gian đó, nhiều bài viết xuất hiện trên các blog cũng hướng về hy vọng như vậy, mong cho có người phất cờ dẫn dắt dân tộc đến sự thay đổi, ví dụ như bài Tiếng hót chim phượng hoàng. Nói chuyện với nhiều tầng nhiều giới bên ngoài tôi cũng cảm nhận được những niềm mong mỏi như vậy. Niềm mong mỏi đó gia tăng tỷ lệ thuận với sự mất niềm tin vào Đảng và Chính quyền.

Tôi cũng liên tục nhận được nhiều thư gửi vào message box hỏi rằng có biết bao giờ sẽ có người xuất sắc đứng lên dẫn dắt người dân vượt qua được được tình cảnh này, vượt qua được nỗi đớn hèn trước sự cường hào ác bá; dẫn dắt đất nước đến một tương lai tươi sáng. Quả thật là không biết trả lời thế nào vì tôi cũng có một niềm tin là điều ấy sẽ xảy đến sớm, nhưng đó là niềm tin chứ không biết cụ thể; trả lời không biết thì sẽ làm thất vọng nhiều người. Cuối cùng, tôi mạo muội lấy những câu hỏi ấy để hỏi một người mà tôi đặt kỳ vọng có thể làm được những chuyện như vậy. Cũng chỉ là cầu may, nhưng thật bất ngờ tôi nhận được sự trả lời và hoàn toàn không hề bị thất vọng, ngược lại niềm tin của tôi cho sự thay đổi tốt đẹp dâng cao hơn bao giờ hết, thấy rõ hơn bao giờ hết.

Bức thư tôi nhận được không dài nhưng cho thấy sự hiểu biết sâu sắc tình hình hiện tại, cho thấy động lực xã hội đang nằm ở đâu, cần hướng động lực quần chúng vào những vấn đề gì để tạo sức mạnh xoay chuyển, cán cân quyền lực trong nước và quốc tế, ... Điều quan trọng là bức thư ấy cho thấy được sự thay đổi sẽ như thế nào, hướng đến điều gì một cách rất thuyết phục và thực tế. Hoàn toàn không có những lời lẽ khẩu hiệu sáo rỗng. Nói thật là tôi đã rưng rưng khi đọc được những dòng này. Tôi còn được đọc rằng sự xuất hiện vào thời khắc lịch sử sẽ không phải là một người mà là một nhóm người. Hình ảnh và uy tín của họ đủ sức đại diện cho niềm tin để thúc đẩy động lực của quần chúng. Tôi tin rằng, một ngày nào đó mà những điều như vậy, những hình ảnh và con người như vậy xuất hiện thì mọi người sẽ có cảm xúc như tôi, sẵn sàng theo và phò tá cho họ để mang đến sự thay đổi tốt đẹp.

Cái gì đến thì phải đến. Như trong enrty MINH CHỦ Ở ĐÂU RA tôi đã viết rằng “chúng ta càng mong muốn và càng thể hiện bao nhiêu thì minh chủ sớm xuất hiện bấy nhiêu”, bây giờ tôi càng thấy rõ điều đó. Tôi thấy rằng nhóm người đó, tức là minh chủ chứ không phải chỉ là một cá nhân, đang chuẩn bị, đang quan sát và tính toán thời cuộc để chọn thời khắc lịch sử. Nói thật là không biết những người đó là ai, nhưng tôi cảm nhận được rằng chắc sẽ là những con người rất gần gũi với chúng ta, chúng ta đều đã biết. Sự xuất hiện của họ sẽ vừa gây bất ngờ lẫn không bất ngờ. Bất ngờ vì “ủa, chính là anh à”, không bất ngờ vì lúc đó ta sẽ hiểu vì sao họ đã làm những việc ấy trong suốt thời gian qua.

Tôi cảm nhận được điều này đang đến rất gần, chúng ta hãy cùng mong mỏi, cùng thể hiện sự mong mỏi ấy để cho những con người lịch sử này cảm nhận được và hành động vào thời khắc lịch sử. Chúng ta cần sự thay đổi.

NHỮNG LỜI BỘC BẠCH CỦA 1 ĐẢNG VIÊN HAY SỰ HẤP HỐI CỦA ĐẢNG?

Đọc những dòng dưới đây của Psonkhanh thực sự tôi rất xúc động, đây có lẽ là những lời chân thật hiếm thấy trong thời buổi đầy dối trá như bây giờ. Tôi cũng tin vào sự thay đổi như Psonkhanh nhận định. Trong bài này có nhắc đến tôi và vấn đề an ninh. Tôi xin nói để mọi người yên tâm, tôi đã được khẳng định (tất nhiên là từ người có trọng trách) rằng các hãng như Yahoo, Google, ... sẽ không dám tiết lộ thông tin của người dùng như trường hợp Yahoo đã làm bên TQ nữa đâu. Tổng Thống Obama đã có một chỉ thị ngầm rằng nếu hãng nào làm chuyện đó sẽ bị truy tố vì vi phạm luật pháp Mỹ. Cứ yên tâm mà viết các blogger à.

LI BC BCH CA MT ĐNG VIÊN

Lâu nay tôi không viết blog, không comment vì tôi sợ. Tôi nghe được những thằng bạn làm bên an ninh nói rằng đang thực hiện những chỉ thị của cấp trên rất quyết liệt để tìm ra dấu vết tông tích của những blogger “có vấn đề” để có cách xử lý thích đáng. Tôi thực sự sợ, có lẽ là tôi hèn nhát. Nhưng hôm nay tôi muốn viết, tôi buộc phải viết, tôi không giải thích được tâm trạng của mình lúc này, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng một sự thôi thúc phải nói ra những gì mình suy nghĩ cho nhiều người đọc. Sự thôi thúc đó đến từ đâu tôi cũng không chắc, nhưng thật tình là tôi vẫn rất run sợ khi post bài này, tôi không phải là người dũng cảm, nhưng tôi thấy mình cần làm điều đó. Và tôi cũng chỉ có nơi này để viết, để nói ra được sự thật, blog là nơi duy nhất ở xã hội này người ta có thể nói thật, còn lại đều là một cuộc sống dối trá với chính mình và mọi người.

Tôi đã gần 50 tuổi, đang làm cho một viện nghiên cứu của Nhà nước, đã được 15 năm tuổi Đảng. Thật lòng là tôi đã nghĩ đến việc ra khỏi Đảng nhưng lại không dám thực hiện, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ để chấp nhận một cách kiếm sống mới hoàn toàn mà tôi không tự tin với nó. Mà bỏ Đảng thì chỉ còn cách bỏ cơ quan. Đã suy nghĩ rất nhiều cách mưu sinh khác nhưng vẫn không thấy cái nào là được. Các con tôi phải còn vài năm nữa mới có thể tự lo được. Lương hai vợ chồng cộng lại mới hơn chục triệu. Riêng tôi mỗi năm được thêm vài công trình nghiên cứu, chia ra cũng được khoảng 30-40 triệu đồng. Cái này chính là bổng lộc mà cấp trên ban phát vì nghiên cứu cho có, xong cho vào tủ, chủ yếu là viết theo ý muốn cấp trên rồi lập hội đồng khen nhau mấy câu, thế là xong. Giàu thì chủ yếu là các sếp lớn vì đề tài nào các sếp cũng có tên để chia tiền dù chẳng làm gì, có khi cũng chẳng nhớ nổi cái tên đề tài. Còn chưa kể những thứ quyền lợi mua sắm khác. Nói chung là nếu lên được trưởng phòng thì không phải lo tiền bạc, người ta cúng cho mình. Do vậy mà trong nội bộ người ta đấu đá giành giật nhau ghê lắm, vào Đảng cũng chỉ hy vọng lên được chức cao hơn. Nói thật là ngày xưa tôi vào Đảng cũng với động cơ như thế, nhưng không nghĩ rằng như thế chỉ mới là cái bắt buộc sơ đẳng, muốn ngoi lên được đòi hỏi phải nhiều thủ thuật lắm, và phải biết luồn cuối thật giỏi, chà đạp người khác mà không bị cắn rứt. Mà cả 2 cái này tôi đều dỡ, có lúc thấy phải làm nhưng làm cũng không đạt yêu cầu. Chuyên viên như tôi (dù là được xếp vào ngạch cao câp) bây giờ toàn phải nói vẹt, nói dối đến mức mất tư cách mà chẳng biết phải làm sao. Giờ mới thấy mình hèn nhưng đã muộn. Tự an ủi trấn an mình “mưu sinh mà, thôi đành vậy…”

Những người Đảng viên như tôi mình bây giờ chiếm đa số tuyệt đối trong Đảng, đến 95%. Hồi tháng 4 năm ngoái, tôi được đọc một bản nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội, đây là tài liệu chính thức nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính Trị . Qua đó nói rõ rằng Đảng viên bây giờ đều chán nãn và bi quan, không còn tin vào đường lối chủ nghĩa Cộng Sản và học thuyết Mác Lê-Nin nữa, Đảng viên chỉ hy vọng vào sự đổi mới của Đảng. Nhưng bây giờ Đảng đã không còn đổi mới nữa, đang đi vào ngõ cụt. Hầu hết những Đảng viên như tôi bây giờ đều mong muốn một sự thay đổi, nhưng họ lại sợ thay đổi. Lý do quan trọng nhất là họ sợ bị trả thù như lịch sử đã từng xảy ra, như Đảng đã từng làm, họ nghe thấy sự hung hăng và cực đoan của các Việt Kiều qua các lần biểu tình chống đối người trong nước qua làm họ sợ. Rồi kiểu tuyên truyền của Đảng cũng tăng thêm điều đó, nếu bạn là Đảng viên, đi họp sinh hoạt Đảng thì sẽ nghe thấy những lời lẽ cảnh báo rất nặng nề, nào là các thế lực thù địch, nào là sẽ không đội trời chung với Đảng viên, âm mưu diễn biến hòa mình có thể mất nước v.v..

Nhưng cái làm xói mòn niềm tin ở Đảng nhất là tham nhũng và đặc quyền thì Đảng chẳng có một biện pháp hiệu quả nào ngăn chặn, nếu không muốn nói là Đảng phải duy trì nó để sống và để cai trị quan chức. Cơ quan tôi và nhiều nơi khác suốt ngày bàn tán về việc ông Lê Thanh Hải đã chi ra cả trăm tỷ đồng để hối lộ cho những vị ủy viên Bộ Chính Trị vào TpHCM để xem xét việc cách chức ông ta vì dính đến vụ PCI. Giờ ông ta tuyên bố với đám đàn em kinh tài là vững như bàn thạch vì không những thế, Thủ Tướng còn nhận của ông ta mấy triệu đô la nữa. Giờ là lúc ông ta ra sức vơ vét và tạo điều kiện cho các đàn em kinh tài vơ vét để bù lại những gì đã phải chi ra để chạy cho ông ấy. Những chuyện này giờ đây tồn tại như một sự tất yếu, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Tôi đang đứng trước một trạng thái chông chênh, giữa những lựa chọn không dễ dàng: theo hiện trạng và thói xấu của xã hội để sống dễ dàng hoặc thay đổi để ko theo nó, hay tham gia vào những sự thay đổi của người khác làm xã hội tốt hơn. Tôi muốn 2 cái sau nhưng nhiều lần đã không vượt qua được chính mình. Hàng này tôi bị buộc phải học và thực hành theo gương và đạo đức HCM nhưng toàn là những gì đạo đức giả và nụy quân tử. Tôi là người luôn kính trọng Chủ Tịch HCM ngay cả khi đã đọc được những mặt trái của Bác. Tôi giữ thái độ đó vì tôi cho rằng Bác là một con người. Nhưng cách mà Đảng đang tuyên truyền về hình ảnh và đạo đức của Bác, bắt mọi người học tấm gương của Bác là cách mà người ta thường làm để ca ngợi những vị giáo của các tôn giáo. Thật đáng buồn là những điều như vậy chẳng những không làm tôn lên hình ảnh của Bác mà ngược lại, vì Bác không có những điều cần thiết của một giáo chủ tôn giáo. Thời buổi bây giờ không còn là những thế kỷ trước, thông tin quá nhiều, nhanh và dễ kiểm chứng thì không thể tạo ra những myth để dẫn dắt lòng tin của mọi người được. Tôn giáo được tạo ra từ các myth vốn là những hiểu biết sai lầm, có thể là dối trá nhưng lại mang ý nghĩa huyền thoại, thần thoại. Người ta đang làm cho hình ảnh Bác ngày càng trở nên méo mó và dối trá.

Gần đây tôi bắt đầu tin dần vào những gì vô hình như là định mệnh, số phận, vận nước, ... Không tìm thấy căn cứ khoa học nào, nhưng có lẽ niềm tin là tâm linh, không phải biện chứng khoa học. Do vậy, tôi cũng hy vọng như nhiều người dân đang hy vọng, hồn thiêng sông núi sẽ phù hộ cho vận mệnh của đất nước. Tôi muốn nói với những người muốn mưu sự lớn và thực sự vì đất nước nhân dân, hãy nhắm vào những gì thiết thực nhất vì cuộc sống của đa số người dân, đừng có giương ngọn cờ dân chủ nhân quyền làm mục đích chính, những điều đó với người dân còn xa vời lắm. Chính quyền hiện này dù làm ra vẻ chống đối và mạnh tay với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; giả bộ như là sợ những điều đó đe dọa sự cầm quyền của họ nhưng thực ra họ rất mong muốn những những người đấu tranh này lao vào những mục tiêu như vậy vì chúng chẳng thể nào thu hút quần chúng trong vài chục năm nữa. Họ ra vẻ cái này là gót chân Achile của Đảng nên phản ứng rất dữ dội, làm cho những người đấu tranh cứ tưởng thật là mình đã nhắm vào đúng tử huyệt của đối thủ và cứ thế hút đầu vào đá. Những gì thiết thực đối với quần chúng thì rất nhiều, nhiều vô kể, không thể nhắm đến hết tất cả một lúc được. Những con người sáng suốt sẽ nhận ra một vài điểm thật quan trọng từ những nhu cầu này, nhấn mạnh nó, giương nó lên làm ngọn cờ để tạo ra động lực cho đa số dân chúng thì mới có thể tạo ra lực lượng và thế lực thay đổi cái hiện nay được. Điều đáng mừng là một vài năm gần đây đã thấy xuất hiện vài người có tầm nhìn như vậy, không lao vào những khẩu hiệu dân chủ nhân quyền mà nhìn được những mấu chốt từ những gì rất thiết thực. Tôi có hân hạnh được trao đổi với những người như vậy trên blog và cảm nhận được sức mạnh tư duy của họ cho dù họ không nói gì về điều đó.

Nếu ai muốn copy bài này để phổ biến thì cứ tự nhiên làm đừng hỏi ý kiến tôi. Mà cũng mong các bạn hãy
làm điều đó vì có thể một ngày nào đó, tôi không đủ sự can đảm, không vượt qua nổi sự hèn nhát nên sẽ xóa hẳn cái blog này. Tôi đã từng nghe cánh an ninh nói rằng sẽ dựa vào quan hệ của con rễ Thủ Tướng, là Việt Kiều trong giới tài phiệt, can thiệp với Yahoo để “lôi ra ánh sáng” kẻ nào là Change We Need để trị tội vì đã “vu khống” thanh danh của gia đình “phò mà”. Chuyện ấy cũng vài tháng nay rồi nhưng vẫn thấy Change tiếp tục viết bài, có thể là họ không làm được, và cũng có thể là chưa làm được. Nếu một ngày nào đó mọi người thấy blog này biến mắt hẳn thì xin hãy hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi rất biết ơn ai đó copy bài này về blog của mình để những gì tôi viết còn lưu lại được.

Đa số Đảng viên và quan chức hiện nay đều hèn nhát như tôi vậy, những người dũng cảm có tư cách thì rất ít, những người này đều không lên cao được. Những kẻ chức vụ càng cao thì không những hèn mà còn nhát, thượng đội hạ đạp. Bản chất bọn chúng là những kẻ sợ sệt đủ thứ, chúng chỉ hung hăng khi nắm quyền lực trong tay và đối xử thô bạo với kẻ dưới hoặc những người không có chút quyền gì. Tôi đảm bảo rằng, khi có một sự thay đổi bọn người này là những kẻ trốn chạy đầu tiên hoặc quay ngoắc tức thì theo lực lượng mới. Bọn chúng đa số (tôi là thiểu số) đều là những kẻ giàu có, giờ thì lắm tiền nhiều của, sợ chết và sẵn sàng trở thành kẻ phản bội cho người khác sai bảo nếu được đảm bảo rằng không làm gì bọn chúng.

Sự sụp đổ và thay đổi là chắc chắc và không thể tránh khỏi, nhiều người bảo rằng sẽ rất nhanh, nhưng cũng có người bảo rằng sẽ chưa thể trong một hai năm nữa. Tôi thì nghĩ điều đó không tùy thuộc vào Đảng, vào Chính quyền nữa, cái này ngoài khả năng của họ rồi. Nó tuỳ thuộc vào lực lượng thay đổi có thể hành động lúc nào thì lúc đó sẽ có sự thay đổi. Còn thay đổi như thế nào thì lại tuỳ thuộc vào cái lực lượng này có muốn làm điều tốt cho người dân hay không. Thật là khủng khiếp nếu đất nước này tránh vỏ dư gặp vỏ dừa.

Hãy tha thứ cho tôi nêu ai đó vô tình bị xúc phạm từ những điều tôi viết, nhưng tôi vẫn tin những người đó rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Tạm biệt mọi người, cũng có thể là vĩnh biệt…. Chúc mọi người vui khỏe và an toàn, chúc Việt Nam thay đổi tốt đẹp.

Tôi đã thực sự ân hận vì đã vào Đảng.

Thursday 23 April 2009

BẮT ĐẦU RẠN NỨT

SGTT hôm qua đăng bài Ngay thẳng dưới đây của Huy Đức. Trước hết xin tỏ lòng ngưỡng mộ SGTT và nhà báo Huy Đức đã dũng cảm đưa những tin tức mà chẳng ai dám lên tiếng. Tôi còn nghe nói rằng mẹ của Thủ Tướng đã sỉ vả Tỉnh Ủy Bình Dương không ra gì về vụ việc này.

Ngay thẳng

Sáng 17.4.2009, một người thân của đương kim Thủ tướng cũng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp. Anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu đang quản lý vườn cao su cho bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ tướng, kể: Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất ba người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm.

Vườn cao su kể trên thuộc 642ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ.

Tháng 6.2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp sổ đỏ cho 40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho phép công ty XNK Bình Dương thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp An Tây trên khu đất này. Số đất mà sáu năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha, nay để làm khu công nghiệp, một công ty quốc doanh đền bù với giá gần 1 tỉ/ha. Kiên quyết làm khu công nghiệp, chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10.2007, công ty XNK Bình Dương đã chi ra hơn 500 tỉ để đền bù cho vườn cao su.

Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ. Nhưng, vấn đề là trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một số là người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy không đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng cũng lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.

Một quan chức địa phương xin giấu tên nói rằng họ biết trong số những người phản đối sáng 17.4 có vợ chồng người chị ruột của Thủ tướng nhưng chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào. Chuyện mua bán, đền bù vườn cao su đúng sai rồi sẽ còn phải làm rõ, nhưng tinh thần sự ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Bến Cát là một thái độ hành xử đáng ghi nhận.

Huy Đức

Tôi cũng có theo dõi vụ này và nhiều vụ khác tương tự trong chuỗi các sự kiện cho thấy mâu thuẫn giữa anh 6 (Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết) và anh 3 (Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã bắt đầu rạn nứt nặng nề. Vụ việc ở Bến Cát Bình Dương trên đây chỉ là một trong hàng chục vụ khác nhau, kể cả Thủ Thiêm Q2, TP.HCM mà anh 6 đã nhiều lần yêu cầu anh 3 phải tránh để quyền lợi người thân và gia đình làm ảnh hưởng và chi phối các quyết định của pháp luật ở địa phương. Nhưng hầu hết đều không có sự chuyển biến tích cực. Vụ cưỡng chế xảy mà Huy Đức nói thực chất có sự bật đèn xanh của anh 6 nên Tỉnh Bình Dương mới dám làm mạnh tay như vậy.

Tôi sẽ có bài viết sâu hơn về vấn đến anh 6 và anh 3 gửi đến mọi người sau.

Wednesday 15 April 2009

MẠNG NGƯỜI VIỆT NAM GIÁ BAO NHIÊU

Mấy ngày rồi thật bức xúc về việc cô gái trẻ 22 tuổi bị dây điện 15KV đứt rơi xuống đường giật chết. Ba ngày rồi mà chẳng thấy mống nào đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức, thay vào đó là những lời lẽ mà trong một xã hội bình thường người ta sẽ không thể nghe nó phát ra từ mồm con người. Như cứ tưởng đó là những lời chống chế tạm thời cho qua cơn dư luận, nào ngờ sáng nay đọc báo mới thấy rằng ngành điện chính thức gửi văn bản giải trình cho Thành ủy HCM bảo lưu ý kiến là do sét đánh nên dây điện mới đứt, và rơ le vẫn hoạt động nhưng do rơi trên nền xi măng nên nó không có tác dụng. Tôi đã phục vụ cho chính quyền nhiều năm, cũng thấy nhiều chuyện ngang trái nhưng chưa bao giờ chứng kiến những kẻ ăn trên ngồi trốc coi mạng người rẻ rúng, coi thường công chúng và đạp lên cả dư luận, xem những chuyên gia ngành điện chẳng ra gì khi dám ký một văn bản như vậy.

Tôi hỏi một thằng bạn thưở nối khố, là kỹ sư lâu năm trong ngành điện, nó bảo nếu nói là do sét đánh mà đứt dây điện thì chắc quanh năm suốt tháng sẽ chứng kiến cảnh này hàng ngàn lần. Còn cái rơ le không hoạt động vì chúng nó tham nhũng, xài đồ dỏm nên không ngắt được mỗi khi có thay đổi đột biến. Thằng bạn bảo tôi rằng các loại thiết bị kém chất lượng như vậy vài năm gần đây bị đưa vào lắp đặt rất nhiều. Trước đây đám tham quan chỉ dám làm như thế đối với những cái không đòi hỏi độ an toàn cao như điện kế điện tử, gần đây thì chúng chẳng từ thứ gì bất chấp an toàn và tính mạng của người dân. Một thằng bạn khác làm quan chức nhỏ của Chính phủ còn nói thêm rằng “cả mua thiết bị quốc phòng, khí tài còn sẵn sàng chơi đồ dỏm, điện đóm là cái đếch gì”. Ấy thế mà an ninh quốc gia vẫn là những lý do nghe rất thuyết phục đám tham quan cơ hội luôn ra rả mỗi khi muốn ngăn chặn hay trù dập những xu thế hay con người cấp tiến.

Cách đây khoảng một tháng, đọc báo thấy những chủ xe buýt, xe khách bảo với các tài xế rằng cứ đảm bảo đúng giờ, nếu một năm cán chết không quá 2 mạng người thì chủ lo hết. Đọc xong những tin tức đó cứ ù tai đến giờ. Xã hội bây giờ không chỉ có giới chủ tàn nhẫn vô lương tâm mà quan chức còn hơn thế nữa. Mạng người chẳng đáng một chút gì để cái lương tâm của đám người này phải lên tiếng. Mạng người còn thế, nhân cách, nhân phẩm chỉ còn là những thứ vứt sọt rác, nói chi đến công bằng dân chủ văn minh.

Tối qua nghe một chuyện còn buồn hơn nữa. Một công nhân người Việt bị đám công nhân Trung Quốc đang khai thác bôxít ở Tây Nguyên đánh hội đồng bị thương nặng, thừa chết thiếu sống, cả tuần nay rồi nhưng chẳng thấy chính quyền vào cuộc điều tra làm rõ. Không khéo sắp tới đây chúng ngang nhiên bắn dân ta rồi sự việc sẽ được chìm xuồng như vụ Trung Quốc bắn chết ngư dân mình ngay trên vùng biển Bắc bộ của mình.

Thật là đáng buồn.

Tuesday 7 April 2009

CƠ HỘI CHO VIỆT NAM?

Đọc bài về chuyến thăm của ông John McCain đến Việt Nam trên BBC những bước đi của Mỹ đang dần rõ ràng tại Việt Nam và vùng biển Đông. Việt Nam đứng trước một cơ hội để làm "mô hình để các nước noi theo". Những phát biểu trong bài này có nhiều điểm tương đồng với nhận định trong bài Kỷ Sửu và Vận hội của VN của TĐC.

Theo tôi thì đây là cơ hội của VN nhưng không biết có nắm bắt được không, xin ý kiến của mọi người.

Đăng lại bài trên BBC:

Cựu ứng cử viên chức Tổng thống Hoa Kỳ John McCain vừa lên tiếng kêu gọi có bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-Việt.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Học viện Ngoại giao chiều thứ Ba 07/04, ông McCain nói: "Đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hóa sang hiện đại hóa quan hệ giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới".

"Chúng ta không nên tự thỏa mãn với thành công và để cho mối quan hệ ngưng trệ."

"Đã đến lúc cần có bước đi mới."

Ông John McCain hiện đang ở Hà Nội trong ngày cuối của chuyến thăm hai ngày tới đất nước mà ông có nhiều 'duyên nợ' kể từ khi còn là phi công trong quân đội Hoa Kỳ.

Nói chuyện với các sinh viên ngành ngoại giao, mà ông gọi là "thế hệ lãnh đạo mới" của đất nước, ông McCain khẳng định Việt Nam sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kỷ nguyên mới của quan hệ Hoa Kỳ và châu Á.

Tuy nhiên ông khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải có hành động để nắm lấy cơ hội, như củng cố thể chế pháp quyền, thúc đẩy cởi mở xã hội, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở và bảo vệ môi trường.

"Tôi cho rằng, những bước đi đó không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết."

Thách thức an ninh mới

Với tư cách người đứng đầu phe Cộng hòa tại Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ, ông McCain đặt chủ đề an ninh và quốc phòng cao trong nghị trình chuyến thăm Á châu một tuần lần này.

Tại Hà Nội, ông nhấn mạnh rằng "an ninh và tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ mật thiết" và rằng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ có lợi cho cả hai bên.

Ông McCain cảnh báo: "Như vụ gây hấn của các tàu Trung Quốc với tàu Impeccable cho thấy, chúng ta đang đối mặt với những thách thức an ninh mới trong khu vực".

"Chúng tôi có mối quan tâm và lợi ích trong việc tự do lưu thông đường biển trong khu vực và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các nơi khác."

Ông thượng nghị sỹ tuyên bố Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế kinh tế và ngoại giao của mình, nay tới lúc khẳng định vai trò về xã hội và chính trị.

Để làm việc đó, theo ông, Việt Nam cần tự do hóa chính trị, như "thúc đẩy quyền tự do xã hội, cho phép tự do ngôn luận rộng rãi hơn, trả tự do cho tất cả các cá nhân bị cầm tù vì thể hiện chính kiến của mình một cách hoà bình, cải thiện nhân quyền, và mở rộng phạm vi hoạt động chính trị".

"Bằng những bước tự do hóa chính trị mạnh mẽ hơn... Việt Nam có thể trở thành một mô hình để các nước khác noi theo."

Cùng chiều thứ Ba, ông McCain đã có cuộc họp báo tại Hà Nội. Sau Việt Nam, ông sẽ tới Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuesday 24 March 2009

ĐIỀM GỞ CỦA TRIỀU ĐẠI CỘNG SẢN

Năm trước đọc tin thấy cổng An Hoà ở Kinh thành Huế bị sét đánh sập ngay trong lúc đang diễn ra lễ tế đàn Nam Giao, cứ nghĩ là sự kiện ngẫu nhiên của thiên nhiên. Báo Người Lao Động lúc đó đưa tin vào 2 ngày liên tiếp về 2 sự kiện này: ngày 4/06/2008 lễ tế đàn Nam Giao diễn ra từ 5g đến 22g; cùng ngày lúc 16g thì một tiếng sét lớn đã đánh sập cổng An Hòa thuộc Kinh thành Huế. Cái tên này ngày xưa nhà Nguyễn đặt để cầu mong sự an lạc hòa bình cho đất nước, đàn Nam Giao cũng được nhà Nguyễn xây dựng để tế trời đất cầu mong mưa thuận gió hòa cho quốc gia xã tắc. Sau gần cả thế kỷ được xây lên nay cổng An Hòa lần đầu tiên bị trời đánh sập ngay vào lúc chính quyền cho tiến hành một lễ tế trời đất đầu tiên tại đàn Nam Giao của Cộng Sản, quả là điềm không lành chút nào. Nhưng cũng có thể rằng chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên.

Đến tối 24/03 vừa rồi, một người bạn cho biết đang đang có mưa to gió lớn và sấm sét ở Huế đang lúc diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc, người này nói rằng thời tiết như vậy khá thất thường ở Huế, báo Giác Ngộ cũng có mô tả hiện tượng này. Nhưng sáng nay (26/03) đọc Tuổi Trẻ thì mới biết rằng sét đã đánh vào đúng tối diễn ra lễ tế này làm hư hại cửa Quảng Đức thì tôi không cho rằng sự việc này và sự việc tương tự năm ngoái là ngẫu nhiên nữa. Các triều đại phong kiến xưa thích dùng chữ quảng đức để ngụ ý rằng đức độ của vua trải rộng khắp thiên hạ, ngày nay “Đảng ta” cũng ra rả suốt rằng ơn đảng bao trùm khắp toàn dân để ép buộc mọi người phải “yêu” đảng. Chắc trong lễ tế Xã Tắc tối hôm đó cũng phạm thượng báo công với trời đất như vậy. Người ta có thể lừa bịp mọi người và lừa bịp chính mình, nhưng không thể lừa bịp Thượng đế được. Trời đã giáng những điềm gở xuống triều đại Cộng Sản này, báo hiệu một sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Chắc chắn là sẽ có những thay đổi lớn và bất ngờ.

Nhiều người xác nhận rằng anh 6 Phong (CTN Nguyễn Minh Triết) có mặt ở Huế vào ngày 24/03, lúc diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc, nhưng người thân cận thường đi cùng anh 6 thì không dám xác nhận qua điện thoại rằng anh 6 có tham gia lễ tế này, chỉ nói “đang bận, gặp nhau đi rồi nói chuyện”. Cũng nghe nói rất nhiều trong thời gian qua, anh 6 cảm thấy rất bất an cho quốc xã tắc (hy vọng thật là như thế) nên rất chú ý đến các giải pháp cúng tế để cầu mong cho đất nước thoát khỏi cảnh khủng hoảng và tránh được những bất ổn và xáo trộn. Nhưng từ đầu năm đến nay anh 6 làm gì cũng đều gặp điềm gở.

Lễ Khai Ấn đền Trần ngay sau Tết anh 6 cũng chủ lễ nhưng lại bị một “cái tát” choáng váng khi chứng kiến những bộ trưởng tranh giật những tờ ấn đầu tiên được đóng bởi anh 6, vì người ta tin rằng những cái càng đầu tiên thì càng linh hiển. Trong số những bộ trưởng này có Trần Văn Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Quốc Triệu, Võ Hồng Phúc, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, đây là điều rất khó nghe nhưng hoàn toàn là sự thật. Anh 6 đã giận tái mặt quát (một điều hiếm thấy từ anh 6 vốn điềm đạm) rằng các anh còn tệ như vậy trách sao dân không như thế. Lúc anh 6 nói cũng là lúc hàng chục ngàn người dân đang phá các hàng rào của công an để tràn vào đền nhằm tranh giật ấn, hàng ngàn công an, cảnh sát an ninh được bố trí để đảm bảo trật tự an toàn đã hoàn toàn vô hiệu.

Nghe nói năm nay anh 6 cũng sẽ dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới, chẳng biết sẽ xảy ra điềm gở gì nữa không. Nhưng có vẻ anh 6 ngày càng bế tắc khi mong muốn sự tốt đẹp, an hòa, quảng đức trong một chính thể thối nát đến như thế này. Đúng là lực bất tòng tâm.

Cập nhập thêm vào lúc 22h, 30/03: BCT rất sợ tin tức về điềm gở này lan rộng khắp dân chúng nên anh 4 đã có chỉ thị ngay tối 24/03 rằng không được đưa tin có liên kết giữa sự kiện diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc và sét đánh hư cửa Quảng Đức. Do vậy mà chúng ta thấy rất ít báo đưa tin này, có đưa như Tuổi Trẻ thì mãi đến 26/03 mới ra tin nhưng cũng không dám nhắc lại ngày 24/03 có diễn ra lễ tế đàn Xã tắc trong bản tin đó.

Có sợ cũng chẳng tránh khỏi đâu.

Thursday 19 March 2009

CHUYỆN VỀ GIA ĐÌNH PHÒ MÃ VÀ SUI GIA CỦA TT

Chắc trong chúng ta sẽ có lần thắc mắc sao lại không có mã di động 099 mà chỉ có 090, 091, 092, 093, 094, 095, 096, 097, 098. Năm trước thấy Bộ Thông Tin Truyền Thông nói hết kho số 09 cho di động nên mới ra kho số 012… Sắp tới mọi người sẽ có câu trả lời vì sẽ thấy một “chú” di động mới ra đời, có dịch vụ di động mang mã số 099-xxx-xxxx. Nhà cung cấp dịch vụ này mang tên Indochina Telecom. Chắc ai cũng sẽ đang thắc mắc Indochina Telecom của ai mà lại được dành cho mã di động đẹp nhất Việt Nam như thế.

Indochina Telecom được thành lập dưới danh nghĩa của Tổng cục II Bộ Quốc Phòng nhưng nguồn vốn và chi phối thực tế từ ông sui của anh 3 Thủ Tướng – ông Nguyễn Bang (cha của Nguyễn Bảo Hoàng hay Henry) và con rễ của ông ấy (Thomas O’Cornor, tức anh rễ của Hoàng), có sự tham gia của ông Đỗ Trung Tá – nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT. Ngoài ưu tiên được dành mã số đẹp, công ty viễn thông này còn có một đặc tính khác lạ hơn so với các công ty di động khác hiện nay, đó là nó không phải bỏ ra hàng trăm triệu Đô-La để đầu tư nhà trạm phát sóng, máy móc thiết bị đắt tiền tốn kém, mà tất cả các công ty di động của Tập Đoàn Bưu chính Viễn Thông VNPT bao gồm Vinaphone, Mobifone và một phần của Viettel Mobile sẽ phải “phát sóng thay” cho nó. Mà nó cũng chẳng phải bỏ tiền ra mua các sóng này, thay vào đó nó chơi rất “cha” bằng cách khi nào nó bán được dịch vụ, tức là khách hàng 099 mà có gọi và phát sinh doanh thu thì nó ăn chia phần trăm lại cho các công ty di động này. Đúng là một hợp trong trong mơ cũng không thể có được. Chẳng phải bỏ tiền ra đầu tư ban đầu tốn kém, cũng chẳng phải chịu rủi ro nếu mua sóng theo dung lượng nào đó mà chưa biết bán tới đó hay không. Ấy vậy mà một công ty di dộng có mã đẹp như thế chỉ cần vài chục triệu Đô-La Mỹ là hoạt động được rồi. Dự kiến là siêu lợi nhuận vì di động bình thường (phải đầu tư lớn) đã lời rất nhiều, còn cái này thì chẳng phải đầu tư gì đáng kể.

Mấy chục triệu Đô-La này phía Tổng cục II không phải bỏ ra mà gia đình ông sui anh 3 lo hết. Nhưng trên thực tế, khoản tiền này cũng chẳng phải là tiền túi của gia đình này mà nó có nguồn gốc thật đáng xấu hổ. Những ai đọc các loạt bài ca ngợi phò mã Henry cách đây hơn một tháng trên các báo lề phải thì chắc vẫn còn nhớ các bồi bút nhắc tới VITC là một công ty được vị phò mã (tức là lúc đó chưa phải phò mã) Henry thành lập và phát triển nó lớn mạnh đến mức doanh số cả chục triệu Đô. Doanh số lên cả chục triệu là thật nhưng sự thật đầy đủ thì hãy đọc tiếp dưới đây.

Nguyễn Bang khi mới sang VN móc nối được với Đỗ Trung Tá và mua chuộc tay quan tham này cho một kế hoạch mà nhiều người tin là được toan tính từ đó đến nay. VITC do con rễ của ông Bang là Thomas O’Cornor thành lập, đang buôn linh tinh đủ thứ từ xử lý môi trường, PVC, xuất khẩu ở VN thì đột ngột nhảy vào lĩnh vực viễn thông và có ngay hợp đồng với công ty Viễn thông Quốc tế VTI (trực thuộc VNPT) để chuyển lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về VN với trị giá cả triệu Đô-La Mỹ một tháng. Điều kỳ lạ là nếu như các công ty khác làm ăn tương tự với VTI (như AT&T, France Telecom, …) đều phải thanh toán trước thì VITC luôn được thanh toán sau với trị giá có thời điểm lên đến gần 50 triệu Đô. Việc làm ăn này bắt đầu từ 2002 và lúc đó Henry đang làm Giám đốc kinh doanh cho VITC, anh rễ Thomas làm Tổng Giám Đốc, ông bố Nguyễn Bang làm Chủ Tịch. Ai cũng thắc mắc tại sao những tay Việt kiều này lại có thể chiếm dụng một số lượng vốn hàng chục triệu Đô thường xuyên và lâu dài như vậy. Có một số quan chức VNPT muốn đưa vấn đề này ra nhưng đều thất bại vì lúc đó ông Đỗ Trung Tá đã trở thành Bộ Trưởng Bộ BCVT từ cái ghế Chủ Tịch HĐQT VNPT.

Số vốn chiếm dụng này gia đình Nguyễn Bang dùng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và mở một nhà hàng tên Vine ở số 1 Xuân Diệu, Hà Nội. Đến tháng 3/2008 VITC tuyên bố đóng cửa VPĐD tại VN với số nợ VTI lúc đó lên tới 23 triệu Đô-La Mỹ, và giải tán toàn bộ nhân viên đang làm việc ở đây. Tuy nhiên sau đó, theo đề nghị của ông Tá và lãnh đạo VTI nên VITC duy trì một văn phòng giả, lẳng lặng chuyển hết máy móc về số 1 Xuân Diệu, cho thiết bị chạy không tải, không có lưu lượng để qua mắt các nhà chức trách để duy trì cái hợp đồng với VTI nhằm chiếm dụng 23 triệu lâu dài. Kế hoạch của gia đình Nguyễn Bang cấu kết với Đỗ Trung Tá (dù giờ đây không còn làm Bộ Trưởng nhưng vẫn còn ảnh hưởng mạnh trên chính trường, đặc biệt là với ông 3 Dũng) là VTI sẽ xóa nợ 23 triệu này bằng những thủ đoạn như đối soát cước, mua lại cổ phần của VITC bên Mỹ, … Tuy nhiên việc này đến hiện nay đang gặp phản đối của nhiều người trong VNPT nên đến giờ vẫn không thực hiện được. Nhưng số tiền 23 triệu Đô thì vẫn nằm trong túi gia đình Nguyễn Bang và bây giờ được tiếp tục đầu tư vào Indochina Telecom.

Trong quá trình lừa đảo trên, có một số nhân viên VITC, người nước ngoài lẫn người Việt cũng bị gia đình Nguyễn Bang lừa đảo và lợi dụng nên rất bất bình. Họ đang tìm cách đưa vấn đề này ra ánh sáng. Donald Berger (người Canada) đầu tiên hùn hạp với Thomas làm nhà hàng Vine, mới đây bị Thomas hất văng khỏi nhà hàng này. Hay như Larry Grace, một luật sư ở Chicago và là bạn học đại học của Hoàng phò mã, có thời được Thomas (thường gọi là Tom) mời sang tư vấn vụ bán một phần cổ phần của VITC cho VNPT (25%). Tuy nhiên chỉ sau 1 thời gian ngắn làm việc với gia đình này thì Larry phát hiện ngay ra đây là một công ty lừa đảo và ngay lập tức bỏ dở dự án và rút về nước làm Thomas và Hoàng vô cùng cay cú. Larry đã nhận ra bản chất lừa đảo của Tom và gia đình Nguyễn Bang từ rất sớm đã có một lần khởi kiện Tom ở Singapore liên quan đến việc lừa đảo và sử dụng vốn sai mục đích. Tom đã phải tốn khá nhiều tiền để lo lót vụ này êm xuôi. Larry cách đây vài năm đã gửi thư đến VNPT tố cáo bản chất lừa đảo của VITC và dụng ý xấu của Tom nhưng chả ai quan tâm. Nhưng Larry tuyên bố sẽ không bỏ cuộc trong việc vạch mặt việc chiếm dụng 23 triệu Đô tiền của nhà nước (tức của nhân dân).

Tôi tin là câu chuyện này sẽ bị lôi ra ánh sáng, không sớm thì muộn. Anh 4 cũng đã nắm được thông tin này, hy vọng sẽ là một bằng chứng tốt để trừng trị Đỗ Trung Tá – thân tính của anh 3.

Saturday 7 March 2009

Bô-xít Tây Nguyên - ông Mạnh, ông Dũng và Tướng Giáp

Rất nhiều người đang bức xúc về việc Trung Quốc đưa người qua khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Cuối năm 2007 tôi nghe dự án này bị chính ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không ủng hộ, thế nhưng đến cuối năm 2008 thì cũng chính ông ấy đã mở cửa một cách quá hớp cho nó. Điều này đã thôi thúc tôi đi tìm sự thật.

Ý tưởng của đề án này có từ thời ông Phan Văn Khải còn làm Thủ Tướng, nhưng với bản tính dè dặt ông Khải đã không thúc đẩy dự án này. Để không mất lòng ông Mạnh, ông Khải trì hoãn tiến trình nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng chứ không lên tiếng phản đối. Khi nhậm chức vào giữa năm 2006, ông Dũng tiếp tục kéo dài cách thức trì hoãn này hơn nữa. Đến đầu năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào khủng hoảng trong lúc nội bộ Đảng đang lục đục. Đầu tháng 6 ông Mạnh đi thăm Trung Quốc đề tìm kiếm giải pháp cho vấn đề kinh tế, sau đó 2 tuần ông Dũng đi Mỹ cho cùng một mục tiêu. Trung Quốc nói với ông Mạnh rằng sẽ bỏ tiền ra cứu kinh tế Việt Nam với điều kiện tiên quyết là phải cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và chấp nhận có đến khoảng 20 ngàn công nhân làm việc tại đây. Còn Mỹ thì hứa với ông Dũng để đặt bẫy rằng sẽ tiếp ứng cho Việt Nam 20 tỷ USD mà không cần phải kêu gọi đến WB hay IMF.

Ông Dũng trở về với thái độ hân hoan và cả huênh hoang về kết quả mình đạt được, còn ông Mạnh thì nặng trĩu vì với yêu cầu của TQ như vậy thì ông chẳng nghĩ ra cách nào để thông qua BCT. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào vẫn động viên rằng chỉ cần ông Mạnh quyết tâm thì ắt sẽ có cách đạt được, và 2 bên đồng ý thiết lập đường dây điện thoại nóng để kịp thời thông tin ứng cứu “cho nhau”. Ngay sau đó bộ Ngoại giao TQ liên tục đề nghị Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức TQ nhưng ông Dũng đều tìm cách thoái thác. Vào lúc ấy mọi người đều thấy rằng ông Dũng đang nghiêng về phía Mỹ và đang trông đợi vào sự giúp đỡ của Mỹ, đang tìm một cửa để lấy điểm với Mỹ để củng cố cho thế lực, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế của ông ấy. Nhưng chờ mãi chẳng thấy kết quả lời Mỹ hứa, chỉ thấy hết đoàn này đến đoàn khác vào VN để ký những thỏa thuận ràng buộc nhằm xí chỗ. Tình hình kinh tế trong nước diễn biến ngày càng xấu, tháng 8, tháng 9, tháng 10 năm ngoái căng như dây đàn sắp đứt. Thời điểm để TQ ra tay đã chín mùi. Ông Dũng không còn cách nào khác, buộc phải đi TQ trong một tình thế bị động.

Các yêu cầu về nghi lễ ngoại giao long trọng lúc đó đều bị TQ bác bỏ trước chuyến đi. Nhưng ông Dũng không còn cách nào khác phải chấp nhận lên đường. Nhưng thật bất ngờ, nghi lễ đón tiếp đã diễn ra long trọng nhất mà TQ đã từng dành cho các nguyên thủ quốc gia. Kết quả của chuyến đi được loan báo là thành công ngoài mong đợi. TQ đã đạt được lời hứa sẽ phê duyệt ngay dự án bô-xít Tây Nguyên cho TQ trước cuối năm 2008, không những được phép đưa người vào VN, TQ còn được những quy chế quản lý công nhân, công trường tại khu vực khai thác theo những những đặc thù riêng của mình, gần như một lãnh địa theo quy chế ngoại giao riêng. Ngược lại, TQ sẵn sàng ứng trước tiền cho VN trong việc khai thác này một cách “lặng lẽ” để VN có nguồn lực đối phó với khủng hoảng kinh tế. Con số là bao nhiêu thì đến giờ vẫn chưa có ai tiết lộ được. Khi tôi “khen” TQ đi một nước cờ cao tay thì một trợ lý trước đây của ông Mạnh nói rằng “đối xử với người tham như ông Dũng thì có khó gì, ông ta có quyền lợi thì chuyện gì cũng xong hết”.

Các công việc nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng nhanh chóng được hoàn thành một cách sơ xài với đa số các ý kiến đồng ý. Chính phủ trình ngay lên cho BCT và được biểu quyết thông qua với đa số tuyệt đối. UBTVQH cho ý kiến ủng hộ mà chẳng hề thông qua Quốc Hội. Việc phê duyệt nhanh chóng như vậy gây bất bình cho rất nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả các thành phần trong quân đội. Những ai am hiểu quân sự đều biết rằng Tây Nguyên là một dãy đất hẹp nhưng rất trọng yếu, chính nhờ khống chế được Tây Nguyên dễ dàng vào đầu năm 1975 mà chiến dịch mùa xuân sau đó đã kết thúc nhanh chóng vào 30/4. Ai chiếm được Tây Nguyên thì sẽ khống chế được toàn vùng nam bộ, và vì nó hẹp nên cũng sẽ dễ dàng cắt đôi đất nước Việt Nam tại Tây Nguyên này. Trong quân đội có một số tướng lĩnh rất bất bình với kiểu “bán nước” này nhưng không làm gì được. Họ phải nhờ đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Dù biết rằng sức khỏe Tướng Giáp rất yếu và tránh bị chấn động, nhưng không còn cách nào khác, mọi người hy vọng uy tín của ông sẽ làm thay đổi được vấn đề này. Và quả thật, Tướng Giáp khi nghe chuyện đã thật sự bị sốc, ông không ngờ người ta dâng Tây Nguyên một cách dễ dàng như vậy.

Bức thư ông gửi cho ông Dũng đăng trên Vietnamnet chỉ là một phần rất ngắn để đưa ra công luận. Toàn bộ nội dung những lời của Tướng Giáp phân tích rất rõ nguy cơ mất nước như thế nào khi để TQ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Nó được gửi đến cho cả BCT chứ không chỉ cho ông Dũng. Nhưng kết quả thì mọi người đã biết, cái dự án chết tiệt đó vẫn được tiến hành bất chấp lời can ngăn của vị Tướng già hết mực yêu nước. Vì lý do này mà Tướng Giáp đã bị suy sụp phải nhập viên, tưởng đã không qua khỏi hồi đầu năm. Có người bảo rằng ông đã không có hồng phúc để ra đi trước khi phải chứng kiến cái sự suy tàn của chế độ mà ông đã góp phần xây dựng nên nó bằng chính tấm lòng yêu nước yêu dân của mình. Nhưng tôi cho rằng ông đã vượt qua được kỳ thập tử nhất sinh vừa rồi là điều phúc lớn cho nhiều người

Ông Dũng từ chỗ “lơ là” quay qua ủng hộ và đẩy mạnh tiến độ dự án một cách bất ngờ. Để “xoa dịu” Tướng Giáp, ông ấy đã chỉ đạo dành những dự án đầu tư béo bở của nhà nước cho những người con của Tướng Giáp. Có lẽ đoán trước được điều này, Tướng Giáp đã nhắc nhở những người con của mình phải cẩn thận, giữ mình. Những người con của Tướng Giáp không đi theo nghiệp chính trị, các anh là những doanh nhân. Không biết là những Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam có đứng vững trước những sự tấn công các loại đặc quyền không. Một người thân (đang còn trong quân đội) với Tướng Giáp hiện nay nói rằng các anh này là những người hiếu thảo, sẽ biết giữ thanh danh cho gia đình. Người này cũng nói rằng may mà bây giờ Trương Gia Bình – chủ tịch FPT không còn là con rễ của Tướng Giáp, nếu không thì dễ dàng mua chuộc nhân vật này để gây ảnh hưởng trong gia đình Tướng Giáp. Tướng Giáp đang khỏe dần lên, đã có thể nghe được người khác đọc sách báo và truyền đạt lại ý của mình.

Một nguồn tin cho hay rằng trong chuyến đi TQ nói trên, ông Mạnh đã gặp phải một đòn độc thủ của TQ. Một nhân vật cấp cao trong Đảng CSTQ nói với một nhân cũng cấp cao (xin được dấu tên) trong đoàn VN đi theo ông Mạnh rằng nếu phía VN không đáp ứng các yêu cầu của phía TQ thì rất có thể một số tài liệu liên quan đến thỏa thuận của lãnh tụ Hồ Chí Minh với lãnh tụ Mao Trạch Đông về vấn đề biên giới lãnh hải sẽ được công bố, mà điều này thì hoàn toàn bất lợi cho uy tín của Đảng CSVN. Ông Mạnh ở vào thế không còn lựa chọn nào khác.

Một số người am hiểu cho biết rằng hiện nay số công nhân TQ có ở Tây Nguyên đã lên đến con số gần 1 vạn người dù rằng công việc khai khoáng chưa thực sự bắt đầu, chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Monday 2 March 2009

TBT NÔNG ĐỨC MẠNH VÀ ODA NHẬT

TBT Nông Đức Mạnh sắp đi Nhật. Đây là yêu cầu rất cương quyết của Nhật trước khi tuyên bố nối lại ODA hồi tuần trước. Phía Nhật đã không chấp nhận đón tiếp Thủ Tướng theo nghi lễ chính thức nên ông Dũng phải hủy bỏ chuyến đi Nhật dự kiến từ cuối tháng 1. Thay vào đó Nhật đề nghị gửi một Bộ Trưởng đại diện Chính phủ để cam kết những vấn đề kinh tế, và sau đó phải là TBT viếng thăm để có những cam kết chính trị. Ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao đã khéo léo tránh né trách nhiệm đi Nhật, ông Võ Hồng Phúc phải thực hiện nhiệm vụ này.

Những cam kết của Chính Phủ về quyền lợi kinh tế cho Nhật mà ông Phúc chuyển đến đã làm Nhật thỏa mãn và ra tuyên bố nối lại ODA cho VN, nhưng họ nhấn mạnh rằng tiền sẽ chỉ giải ngân khi nào những cam kết chính trị được thực hiện. Chưa rõ những cam kết chính trị mà Nhật đòi hỏi là gì nhưng nó đang làm cho BCT rất bối rối. Nhật cho biết họ sẵn sàng tuyên bố chấm dứt ODA bất kỳ lúc nào nếu VN không thực hiện đúng các cam kết. Đảng và Nhà Nước đã chấp nhận trả những cái giá rất lớn để có được lời tuyên bố nối lại viện trợ của Nhật để trấn an dân chúng, nay vì sơ xuất gì mà Nhật đổi ý thì chắc chắn rằng sẽ gây rối loạn trong nước. Không biết những cam kết chính trị Nhật đòi hỏi là gì nhưng chắc chắn phải là những gì rất to tát vì Nhật rất tự tin nhắc lại nhiều lần với phía Việt Nam là tất cả những nhà tài trợ khác dù đã cam kết cho VN trong năm 2009 nhưng đều đang chờ quyết định của Nhật để hành động tương tự.

Ông Mạnh đang trùng trình tìm cách né tránh nhưng chưa biết có tìm được cách gì hay không vì áp lực không chỉ đến từ bên ngoài mà cả bên trong. Lý do là cho dù nội bộ bị chia rẽ nặng nề nhưng tất cả đều có một quyền lợi chung là sự tồn tại của Đảng để bảo vệ đặc quyền cá nhân, do vậy ông Mạnh khó lòng tránh né trước đòi hỏi của những người “đồng chí”. Một vị từng là trợ lý cho ông Mạnh vào khóa trước cho biết ông Mạnh tâm sự rằng đang rất bối rối, vì nếu yêu cầu của Nhật có gì liên quan đến sự quyền lợi của Đảng thì chắc chắn ông ấy không dám có ý kiến làm vui lòng Nhật, mà nếu như thế thì sẽ ảnh hưởng đến giải ngân ODA - mà cái này cũng đe dọa đến sự tồn vong của Đảng. Một chuyến đi lành ít dữ nhiều cho sự nghiệp của ông ta.

Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phải đáp ứng những yêu cầu gần như mệnh lệnh của Nhật: bắt Huỳnh Ngọc Sỹ phải diễn ra trong lúc Thái tử Nhật đến VN, không được trễ hơn dù chỉ một ngày; Nhật sẽ được quyền sở hữu từ 75% đến 100% các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ lực mà từ trước đến giờ chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được tham gia vì lý do an ninh quốc gia (như viễn thông, dầu khí, điện lực, ….); việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực này thì phía Nhật sẽ được ưu tiên là đối tác và cổ đông chiến lược. Chính Phủ đã chỉ thị sửa đổi hàng loạt các nghị định, thậm chí sửa luật “trình” Quốc Hội nhằm tạo cơ sở luật để thực hiện các cam kết cho Nhật. Dự thảo luật viễn thông cho phép tất cả các thành phần kinh tế không phân biệt sở hữu được quyền tham gia vào việc kinh doanh hạ tầng viễn thông (trước giờ phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối), hay đề xuất chia tách tập đoàn EVN thành những đơn vị nhỏ hơn mới nghe cứ tưởng là để tốt hơn cho đất nước nhưng động lực của chúng thực ra là để đáp ứng cam kết với Nhật.

Quyền lợi kinh tế thì dễ dàng bán nhưng quyền lợi chính trị sẽ đổi chác thế nào thì chưa rõ Nhật sẽ đánh nước cờ tiếp theo ra sao. Nhưng tới bây giờ, bằng nước cờ ODA, Nhật đã đoạt được những quân cờ quan trọng và chiếm được một thế cờ chủ động. Một tình thế thật đáng buồn cho dân tộc, đúng là thời đại toàn cầu hóa, người ta không cần dùng đến súng đạn để mở rộng thuộc địa. Xem TV hôm qua và hôm nay thấy họ toàn ca ngợi các nhà đầu tư Nhật, ca ngợi VN là địa điểm đầu tư hấp dẫn, mà đúng là hấp dẫn quá đi chứ.

Chuyện về Tướng Giáp hẹn các bạn kỳ sau.

Monday 16 February 2009

Ngày 17 tháng 2 - Bao nghĩa trang dọc theo Biên giới - Biết có ai về hương khói không?

Đọc trên blog Osin hôm nay, nhân dịp 30 năm Việt Nam đánh trả Trung Quốc xâm lăng biên giới. Nhà báo Huy Đức đặt câu hỏi: “Bao nghĩa trang dọc theo Biên giới/Biết có ai về hương khói không?”, làm tôi nhớ tới một bài rất hay đăng trên Hà Nội Mới cách đây 4 năm:

Tâm linh lễ

“Mùa xuân có lễ Khai ấn, mùa thu có lễ hội Trần”. Nghe lời giới thiệu hấp dẫn của bè bạn, tôi háo hức lên đường về Thiên Trường dự lễ hội Khai ấn đầu xuân mang đầy nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Tối 22-2, tức 14 tháng Giêng ất Dậu chúng tôi rời Hà Nội khi trời mới chạng vạng, đến Thành Nam đã 9h30 tối. Sương khói mênh mông còn vương đầy hương vị Tết Bắc. Xe dừng ngay ở ngã tư trên đường 10. Dễ có đến cả trăm ngàn người dàn kín con đường dẫn tới đền Trần. Chúng tôi dắt nhau đứng vào hàng. Cách đó chừng 1 cây số là quầng sáng rực rỡ, có lẽ đó là trung tâm lễ hội. Tương truyền vào những đêm thế này, ngày mười bốn tháng Giêng, các triều đại vua Trần trao ấn cho các quan để ngày mai bắt đầu một năm làm việc mới. Tôi thích thú vì sắp được chứng kiến cái nghi lễ đó được tái hiện.

Hàng người dài quá, không biết khi nào tôi mới tới được ngôi đền. Những người cùng đi động viên tôi bằng kinh nghiệm của người đã nhiều năm được nhận ấn: “Cứ yên chí xếp hàng, lát nữa sẽ có xe cảnh sát rẽ đường đưa các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào làm lễ, như vậy đến 3-4h sáng sẽ tới lượt mình thôi”.

Tôi thắc mắc không hiểu sao lại có nhiều người tín mộ đến thế, họ đến đây vì tò mò như tôi hay vì điều gì khác. Một người bạn giải thích bằng thái độ hết sức nghiêm trang và huyền bí: “Đất này thiêng lắm, cả triều đại nhà Trần võ công, văn trị oai hùng được phát tích từ đây, các Thánh ở đây rất linh hiển, vì thế mà các quan chức đua nhau tới đây cầu quan cầu lộc, ai đã tới đây rồi mà không vào lễ nghiêm túc thì Thánh sẽ quở phạt !”.

Vậy là tôi đang không cùng mục đích với nhiều người đứng quanh tôi đây, chuyến đi này tôi không nhằm cầu quan lộc. Nản lòng, tôi rời hàng và hài hước nói với bạn: “Nếu nhận ấn xong mà được một chức quan thì tôi cũng ráng chờ, nhưng điều đó bây giờ còn ngoài tầm kiểm soát của các Thánh, nên đêm nay nếu tôi chưa tới được Thiên Trường chắc các Thánh cũng cảm thông, mà lượng thứ”. Họ cười gượng gạo, rồi cũng lưỡng lự theo tôi.

Chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố Nam Định, đúng là nơi đây có nhiều địa danh lịch sử, nhiều phong tục mang dấu ấn sâu đậm của nền văn minh Đại Việt xưa. Hướng về xã Mỹ Phúc, qua vài cây số đường mương hẹp, ghồ ghề, chúng tôi tới được đền Bảo Lộc, nơi xưa kia là thái ấp An Sinh Vương Trần Liễu, nay thờ Trần Hưng Đạo. Đã gần 10 giờ đêm, ở đây vẫn tấp nập, người, xe dập dìu, đèn hoa rực rỡ, ngoài kia vạn thì ở đây cũng có đến cả ngàn người. Nhiều đám đông tụ tập chào mời khách thập phương tới mua băng, đĩa quay cảnh lên đồng lên bóng. Những dàn tivi bật âm thanh hết cỡ với hình ảnh những cô đồng nhảy múa trong tiếng thanh la, mõ, trống phách tạo nên khung cảnh náo nhiệt lạ thường. Một thoáng thất vọng hiện lên trong tôi.

Tôi không mua gì để làm lễ cúng cả, chỉ vào thắp vài nén nhang như lệ thường rồi ra ngoài, để thoát khỏi cảnh sắc sôi động. Bên kia đường, đối diện đền Bảo Lộc là một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ khoảng trăm ngôi. Bóng đèn thắp sáng đã quá cũ làm không gian ở đây mờ hơn cả ánh trăng mười bốn. Lư hương có mấy nén nhang bị tắt giữa chừng, nhìn rất hiu quạnh. Tôi nhờ người bạn mua nhang, hoa tươi và trái cây, còn mình cố thắp lại mấy cây nhang bị tắt giữa chừng. Chúng tôi thắp nhang cắm lên từng ngôi mộ, hy vọng mang chút hơi ấm bên kia sưởi ấm bên này. Dưới ánh trăng, tôi đọc tên trên từng ngôi mộ, có người nằm xuống từ năm 1941, có người mới năm 1979, đa số đều mang họ Trần. Họ đều đã nằm xuống với niềm tin rằng để người thân của họ sẽ có cơm ngon áo đẹp. Chúng tôi ở đây hơn 30 phút, không có một khách thập phương nào vào viếng đền Bảo Lộc bước qua thắp một nén hương cho những con người đã mãi mãi ra đi vì đất nước.

Trên đường xe quay ra, dưới ánh trăng tôi nhìn rất rõ tấm biển đề: “Đền thờ Trần Thủ Độ”. Đền cổ kính, kiến trúc đẹp, rất u tịch. Đền đã đóng cửa nhưng ông từ già vẫn đón chúng tôi rất vui vẻ, hướng dẫn thắp hương và giải thích: “Trần Thủ Độ là Quốc sư, Thống Quốc Thái sư, là vị thánh khai quốc công thần, lập nên nhà Trần”. Ông nhiệt tình hỏi chúng tôi cầu gì để khấn giúp. Chúng tôi hàn huyên với ông từ gần một giờ đồng hồ. Bên ngoài xe vẫn vun vút lao qua, rất nhiều xe mang biển xanh 80B, và chưa thấy có chiếc xe nào dừng lại ghé vào. Tôi thắc mắc, ông từ chậm rãi đáp: “Vào đền Thái sư là để cầu kiến thức, học vấn thôi, các ngôi đền ngoài kia người ta thường đến cầu quan lộc”, giọng rất bình thản. Một thực tế không bình thường đã hình thành đến mức trở thành bình thường.

Tôi lên xe, lòng không khỏi chơi vơi. Ngôi đền vắng lặng tĩnh mịch dưới ánh trăng, gà đã gáy sang canh. Trời sắp sáng nhưng tôi lại cảm thấy điều gì đó đang đè nặng, trăn trở mãi.
HNM

Trong bài có đề cập đến những người lính đã “định cư” ở nghĩa trang này từ năm 1979, như vậy các anh ấy chính là những người lính Việt Nam đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc hồi 30 năm trước chống sự xâm lược của Trung Quốc. Theo bài báo nói trên thì các anh cũng bị lãng quên trước hàng chục ngàn người đang sính lễ vì cầu quan lộc, chỉ có tác giả bài viết ghé qua thấp ít nén hương. Ở miền biên giới xa xôi mà anh Huy Đức hỏi đến, chắc là cũng chẳng khác gì.

Xã hội giờ đây chỉ có tiền và chỉ có hiện tại. Người ta quên hết quá khứ và ăn cướp của tương lai. Hôm nay kỷ niệm 30 năm ngày bắt đầu một sự kiện bi hùng của lịch sử Việt Nam, bao nhiêu người đã nằm xuống từ ngày đó, thế mà chính quyền im bặt và bịt miệng tất cả báo chí. Cũng may còn còn được những “nhà báo lề trái”. Một sự nhục nhã của lịch sử Việt Nam diễn ra 30 năm sau một thiên sử bi hùng.

Đọc bài viết trên cũng làm tôi nhớ tới một enrty trên blog của Skarlor vừa rồi, kể chuyện ông Nguyễn Thiện Nhân tranh giật ấn ở lễ hội khai ấn vừa rồi. Tôi đang xác minh thông tin này, sẽ có bài sau khi kiểm chứng xong.

Phản hồi: Mục E-paper không cắt bỏ tin về Mai Linh?

Vào chủ nhật vừa rồi, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã đưa trở lại trang 15 & 16 trên mục epaper của TBKTSG số 7-2009 (trang 16 có tin Mai Linh lời giả lỗ thật). Đây là việc rất đáng hoan nghênh.

Đến chiều hôm qua thì tạp chí này lại đăng một bản tin online (nằm đầu tiên trên trang home) với nội dung mà tôi trích nguyên dưới đây, khẳng định là trang 15 & 16 nói trên chưa bao giờ bị gỡ xuống. Tôi thực sự không hiểu vì sao TBKTSG lại chọn cách này, cả chục ngàn người đã chứng kiến khi vào epaper của số 7-2009 và thấy rõ ràng lật từ trang 14 nhảy ngay qua 17. Thật tình là tôi không mấy khi đọc tạp chí này, chỉ nghe vài người bạn nói nó hay , nhưng tôi không chuyên về kinh tế nên không quan tâm lắm. Cái vụ tin Mai Linh bị gỡ xuống vừa rồi tôi biết đươc là do 3 bloggers gửi tin cho tôi biết và nhờ tôi lên tiếng, tôi vào xem và thấy rõ như thế. Sau khi tôi đưa tin thì cũng rất nhiều bạn gửi message vào chia sẻ và xác nhận cũng thấy rõ như thế.

Tôi nghĩ TBKTSG chọn cách chối một cách không vững vàng như thế thì càng làm người đọc mất niềm tin. Tôi vốn vẫn có cảm tình với tạp chí này thông qua những đánh giá của bạn bè. Tôi vừa gọi một người bạn trong số này, nói về câu chuyện này thì họ bảo "xin lỗi, tao cũng đâu biết được hôm nay nó thế. Nhưng mà cũng phải thông cảm, lỡ đâu Mai Linh nó mạnh quá, nó dùng sức ép từ trên xuống thì sao đỡ nổi".

Những bạn nào đã đọc, đã thấy cái vụ này, xin lên tiếng trên comment giùm nhé.

Trích bản tin Thứ Hai, 16/2/2009, 15:59 (GMT+7) trên TBKTSG Online:

(TBKTSG Online) – Vừa qua, một bạn đọc có gửi e mail cho tòa soạn nêu thắc mắc vì sao tin “Mai Linh: lời giả lỗ thật” được đăng trên báo in TBKTSG (số 7-2009, ra ngày 5-2-2009) nhưng bị cắt mất trên mục E-paper ở báo mạng TBKTSG Online? Thắc mắc này có sự nhầm lẫn nhưng lại lan truyền trong một số diễn đàn trên internet nên TBKTSG Online xin nói như sau:

Các tin, bài của báo in Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 7-2009, ra ngày 5-2-2009, vẫn được đăng tải đầy đủ trên mục E-paper của báo mạng Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. Cụ thể, bản tin “Mai Linh: lời giả lỗ thật” mà độc giả phản ánh có ở đường link sau: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/So7-2009(947)/22764/ .

Vì đây là bản tin (news) nên khi nhập lên E-paper, tòa soạn không nhập tít tựa (title) của từng tin, mà gọi chung là “Tin chứng khoán”. Bạn đọc muốn xem thông tin này thì vào mục lục chọn: “tin chứng khoán” trong mục “Một vòng chứng khoán”.

Trong E-paper chỉ có những bài viết (articles) mới có tên trong mục lục, tương tự như mục lục của tờ báo in.

Tòa soạn xin thông tin để bạn đọc nắm rõ.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Friday 13 February 2009

VIỆT NAM KHÁC GÌ ZIMBAWE

Hôm nay Tuổi Trẻ có một bài đáng đọc: Để mừng sinh nhật thứ 85 của tổng thống Zimbabwe... của Danh Đức. Bài báo nói về sự xa hoa của Mugabe – Tổng thống mấy chục năm nay của đất nước Zimbabwe đói khổ, dù ông ta là người đã có công giải phóng nước này khỏi thuộc địa. Bài báo có một phần nói về cách mà tay Tổng thống già này dung tham nhũng và đặc quyền để duy trì bộ máy cai trị như thế nào. Đảm bảo mọi người đọc sẽ thấy nó giống hệt Việt Nam ta từ lúc được giải phóng thuộc địa đến nay.

Bài báo không dám nói thẳng, mượn kiểu chửi chó mắng dê, nhưng trong hoàn cảnh này cũng là rất đáng hoan nghênh. Tôi trích phần nói về cách thức duy trì quyền lực của Mugabe dưới đây cho mọi người tiện đọc. Hoan hô Tuổi Trẻ. Mọi người vào link trên đọc nhanh đi nhé, kẻo lại bị gỡ xuống bây giờ.

Hệ thống quyền lực của Tổng thống Mugabe

Trên website Africa Agenda của giới trí thức châu Phi, bài viết “Is Mugabe’s legacy a lesson for Zuma?” (“Di sản của Mugabe: một bài học cho Zuma?”) được đăng nhằm cảnh báo nguy cơ tương tự cho Nam Phi mà sang năm tới sẽ có tổng thống mới là ông Jacob Zuma. Dưới đây là vài trích đoạn:

“Mugabe hoạt động qua một hệ thống giám sát hữu hiệu các thuộc hạ nhằm “bêtông hóa” quyền lực của mình. Thoạt đầu khi mới giành được độc lập, ông và các đồng đội của mình cũng tin rằng sẽ phục vụ dân chúng nên lập ra bộ quy ước lãnh đạo rất nghiêm khắc, theo đó làm giàu là nghịch đề.

Thế nhưng thật nhanh chóng, Mugabe phát hiện rằng họ tham ăn như lợn nên quyết định nuôi tính háu ăn vô chừng của họ bằng cách gắn họ với chế độ tổng thống trọn đời của mình. Nghe họ thề trung thành với tổng thống trọn đời, người ta cứ ngỡ rằng họ chỉ nói đùa. Thật ra họ không đùa: họ thừa biết số phận của họ gắn chặt với lão già này, như ông thường bảo họ: “Nếu tôi văng, các ông sẽ văng trước”.

Ông cho phép họ thoải mái tham nhũng, song tất cả đều được ghi chép đầy đủ. Các ghi chép đó chính là nguồn bảo hiểm nhân thọ của ông. Chỉ cần ông giơ ra vài ghi chép là chẳng cần xét xử gì cả cũng sẽ văng xa tít. Nhiều người thắc mắc sao các đệ tử của ông lại cong lưng cung cúc cúng bái ông như thế. Chẳng qua, ông đã tạo ra hoàn cảnh (tham nhũng) mà nay họ đang ở trong đó.

Hệ thống ấy rất đơn giản: trước tiên phải tạo ra những “cổ chai”. Càng kẹt cứng, ai có quyền hành càng dễ làm giàu. Vụ xìcăngđan Willowgate trong những năm đầu thập niên 1980 là một ví dụ. Chiếc Toyota Cressida nhảy vào thị trường Zimbabwe. Cho dù người ta có tiền cũng không mua được, vì số xe lắp ráp quá ít. Thế nhưng các quan thì tha hồ mua, mua cho mình và cho người khác.

Nếu đã vi phạm thì xin lỗi đi, rồi sẽ được luân chuyển sang một ghế khác. Có khi được cử đi sứ hoặc đâu đó. Có một quan chức kỳ cựu tên Chikoore đã làm một chuyện không thể tưởng tượng được là xin từ chức ngay giữa lúc dân chúng đang bực tức vì thiếu hàng hóa. Sau đó, Chikoore đến gặp lãnh tụ tối cao xin một chức khác, bị từ chối thẳng thừng, bèn tự tử.

Chiếm đất mới diễn ra như giữa ban ngày, cứ truất hữu ở đâu tùy thích, chẳng cần đền bù gì cả. Song hệ thống không dừng lại ở đó. Những kẻ mới có đất đai này sẽ được mua dầu diesel trợ giá có khi chỉ bằng 5% giá thực tế. Mua xong bán lại chợ đen và hái ra tiền ngay. Các quan trong chính phủ còn được mua ngoại tệ với tỉ giá chính thức không đầy 10% tỉ giá thị trường chợ đen. Cứ thế mà nhân chục lần, chục lần, chục lần... tài sản.

Còn việc truất hữu các công ty nước ngoài, gọi là “nội địa hóa” chúng, thì mỗi công ty sẽ phải nhượng một số đáng kể cổ phần cho người Zimbabwe. Và những người nhiều khả năng được mua nhất chẳng ai khác hơn là các quan chức đầu ngành.

Đó là vài bí quyết gắn chặt họ với lãnh tụ tối cao...”.

Tuesday 10 February 2009

CÁC NHÀ BÁO HÃY CỐ LÊN




Mấy hôm nay có nhiều chuyện về báo chí thấy thật là đáng buồn và xấu hổ. Xin được nói lên đôi điều với những người làm báo.

Chuyện thứ nhất là về sự kiện Trung Quốc đánh Việt Nam ta 30 năm trước. Tờ báo duy nhất có bài đăng về câu chuyện lịch sử này là SGTT, đăng bài Biên Giới Tháng Hai (2009-1979) của nhà báo nổi tiếng Huy Đức, nhưng bị gỡ xuống ngay sau đó. Những sức ép về chính trị bởi TQ là lớn thật, nhưng sao vẫn thấy chí khí của những lãnh đạo báo chí giờ chẳng còn gì. Dù sao cũng cảm ơn anh Huy Đức, anh có lẽ là một trong những người bản lĩnh nhất còn trụ lại được trong ngành báo.

Chuyện thứ hai, cũng là một sự việc đã đăng rồi lại gỡ xuống, nhưng lại chẳng liên quan gì đến chính trị, mà dễ thấy rằng nó bị đồng tiền chi phối quá dễ dàng. Đó là mẫu tin trên trang 16 Thời báo KTSG, số 7-2009 ra ngày 5-2-2009 về tập đoàn “Mai Linh: lời giả lỗ thật”. Tạp chí ra hàng tuần (được xem là uy tín nhất về kinh tế hiện nay) và được đăng tải lên mạng dưới dạng e-paper (bản scan). Nhưng bản e-paper của số này bị cắt mất 1 tờ của trang 15 và 16, tức trang có thông tin đăng tin tức về Mai Linh báo cáo không trung thực. Các bạn có thể vào link này để xem e-paper bị mất 2 trang: http://www.thesaigontimes.vn/epaper/TB-KTSG/324/22505/14/ , và xem cái ảnh ở trên là tin tức về Mai Linh được scan lại từ báo in. Uy tín của một tạp chí lớn bị bán rẻ quá dễ dàng bởi sức mạnh của đồng tiền. Sao thế TBKTSG?

Chuyện thứ ba liên quan đến nhà báo Trung Dân và tạp chí Du Lịch. Nghe nói ông này và con trai mình là Trung Bảo (người viết bài về Hoàng Sa Trường Sa trên Du Lịch số xuân vừa rồi) đang gặp nhiều rắc rối với an ninh điều tra. Những người yêu nước và dám lên tiếng sao mà bị khổ sở quá.

Chuyện thứ tư là của Đài Truyền hình Việt Nam VTV, một đài của trung ương đại diện cho quốc gia. Cách đây 2 hôm, chương trình thời sự 7h tối (bản tin quan trọng nhất trong ngày) đưa tin Thủ Tướng tiếp 1 Đại sứ hữu nghị của Nhật, một chức vụ tượng trưng để làm từ thiện, chẳng có chút quyền hạn hay tư cách đại diện quốc gia nào. Thủ Tướng đã phải tiếp một người như thế thì thấy cái thế của quốc gia xuống thấp đến thế nào rồi, ấy vậy mà cái VTV này lên giọng: “Thủ tướng yêu cầu Nhật nhanh chống nối lại cấp vốn ODA trong tháng 4 này…..”. Chẳng hiểu Thủ Tướng đang giương oai với Nhật hay với dân đen kém hiểu biết. Trong khi đó thì tin tức từ hậu trường cho biết Chính phủ đang phải xuống nước, hứa hẹn, năn nỉ, cam kết nhưng Nhật vẫn chưa trả đồng ý tới khi nào VN làm rõ vụ PCI. Thái tử Nhật gửi đến một thông điệp rất rõ ràng là cho dù Hoàng gia Nhật không tham gia vào chính trị và công việc của Chính phủ Nhật, nhưng Hoàng gia Nhật rất hiểu tình cảm và thái độ của dân Nhật. Người dân Nhật sẽ không bao giờ tha thứ cho Chính phủ nếu tiếp tục đem tiền đóng thuế của dân Nhật tài trợ cho nơi nào mà bị tham nhũng nhưng không xử lý rõ ràng. Ông cũng bày tỏ rằng theo ông Chính phủ Nhật sẽ kiên quyết yêu cầu trả lại những khoản đã tài trợ nhưng bị tham lạm. Thế vậy mà bản tin của VTV hôm rồi làm cho mọi người cứ tưởng VN đang thắng thế. Huỳnh Ngọc Sỹ đang bị bắt vào lúc Thái tử Nhật vào VN, chưa biết là có mối quan hệ gì, nhưng nhìn hiện tượng thì thật là nhục nhã, chẳng khác gì họ vào đất nước này ra lệnh.

Chuyện thứ năm là những tờ báo lớn nhất như Tuổi Trẻ và Thanh Niên, càng ngày càng xuống cấp, chất lượng thông tin quả thật không biết nói sao. Có lẽ lời 1 người bạn của tôi nhận xét là khá gần với thực tế nhất: “TT và TN bây giờ trở thành cái loa phóng thanh cấp phường của TTXVN”. Nhưng tôi bổ sung thêm là không phải chỉ có TTXVN, bây giờ 2 tờ báo này đang ra sức nịnh Văn phòng Chính Phủ và Ban Tuyên giáo TW để mà tồn tại, chỉ cần 1 cuộc điện thoại của thư ký từ 2 nơi này thôi thì các phóng viên của TT và TN phải xách máy đi làm tin theo yêu cầu liền. Bây giờ chẳng còn hơi thở cuộc sống ở 2 tờ báo này nữa. Đọc báo toàn hơi của lãnh đạo.

Chuyện thứ sáu là rất nhiều những tờ báo mạng báo in, nhỏ lớn mấy tháng qua ra sức ca khợi hoàng tử và phò mã, cách người dân gọi con trai và con rễ của Thủ Tướng, rất thô thiển. Nào là Nguyễn Thanh Nghị học và làm việc suốt tại đại học Kiến Trúc TPHCM mà không ai biết là con trai của Thủ Tướng cho nên việc hoàng tử lên chức Phó Hiệu trưởng đại học này là chỉ do năng lực của anh ta. Nào là Henry Nguyễn (Bảo Hoàng) vô tình gặp Chủ tịch IDG, nhờ đó Henry thuyết phục được 300 lãnh đạo của IDG đầu tư vào VN. Quỹ IDG venture VN đã thành lập xong và có Giám đốc điều hành đầu tiên không phải là Henry, Henry tham điều hành quỹ này sau khi nó thành lập 1 thời gian. Có nhiều điều chói tai lắm, kể ra chẳng hết.

Báo chí VN không thể như thế, không thể như thế được. Chúng ta phải làm sao, các nhà báo hãy cố lên. Bên ngoài người ta đang nguyền rủa chúng ta là bồi bút.

Sunday 8 February 2009

Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam




Change tôi đăng lại toàn bộ bài viết "Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam" mới xuất hiện hôm nay trên thời báo Kinh Tế Việt Nam của tác giả Trần Thái để mọi người có ý kiến, nhằm rộng đường dư luận nhiều chiều. Change tôi sẽ có những bài tiếp theo về đề tài này.

"Nguyễn Bảo Hoàng tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard khoá học 1991-1995.

Sau đó, anh lấy bằng bác sỹ y khoa của Trường Y Feinberg (Feinberg School of Medicine, thuộc Đại học Northwestern) và thạc sĩ khoa quản trị kinh doanh thuộc Trường Quản trị Kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management) cũng của Trường Đại học Northwestern) cùng trong năm 2000 (khoá học 1995-2000).

Nhưng có lẽ bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bảo Hoàng là cuộc gặp tình cờ vào năm 2003 giữa anh với tỷ phú Mỹ Patrick McGovern-người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn IDG của Mỹ.

Đánh giá cao khả năng phân tích thị trường và năng lực quản lý của Nguyễn Bảo Hoàng, Patrick McGovern đã giao cho Hoàng trọng trách là Tổng giám đốc điều hành của IDG Venture Việt Nam kể từ năm 2003.

IDG Venture Việt Nam là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam với số vốn ban đầu lên đến 100 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong một hai năm tới. IDG Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển trên quy mô toàn cầu.

Thời tuổi trẻ

Nguyễn Bảo Hoàng sinh năm 1974, là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em gồm 2 trai, 2 gái. Gia đình anh rời Sài Gòn năm 1975 di cư sang Mỹ và định cư tại ngoại ô Washington thuộc bang Virginia, khi anh mới 22 tháng tuổi.

Ngay từ khi 8 - 9 tuổi, Hoàng được cha mẹ dành dụm cả 3 tháng lương để mua cho con một chiếc máy tính IBM, lúc đó là mơ ước của nhiều người kể cả đối với người Mỹ. Với chiếc máy tính đó, ngoài việc chơi game như bao đứa trẻ khác, Hoàng đã mày mò tìm hiểu các linh kiện của nó, học cách lập trình.

Khi thấy thông tin rao bán nhà của những người họ hàng xung quanh mình khá lộn xộn, Hoàng đã giúp họ đánh lại văn bản, trình bày sạch đẹp, lại có thêm những bức ảnh minh họa khá đẹp mắt, dễ nhận diện. Kể từ đó, hầu hết những người buôn bán bất động sản trong vùng đều tới nhờ Hoàng làm giúp những tờ rơi (brochures).

Số tiền thù lao mà họ trả đủ để Hoàng mua thêm hai chiếc máy tính nữa. Có thêm máy, Hoàng rủ thêm hai người bạn cùng làm. Yêu thể thao và chơi giỏi một số môn thể thao, Hoàng còn tham gia viết báo thể thao và làm việc cho đài phát thanh của trường.

Các anh chị của Hoàng đều là bác sĩ. Hoàng kể “Các anh chị tôi đều muốn trở thành bác sĩ, bởi vì chúng tôi coi đó là cách tốt nhất có thể trực tiếp giúp đỡ người khác. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề bác sĩ và tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ như các anh chị tôi. Thế nhưng, dịp trở về quê hương Việt Nam sau 20 năm xa cách đã làm thay đổi sự nghiệp và cả cuộc đời tôi”.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard, Nguyễn Bảo Hoàng lần đầu tiên trở về Việt Nam sau thời gian dài xa cách. Được tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và nhiều vùng miền của đất nước kể cả các vùng thôn quê đánh dấu một cảm xúc khác lạ trong dòng máu con cháu Lạc Hồng trong anh.

Thực ra những năm tháng theo gia đình định cư trên đất Mỹ, ký ức về quê hương của anh là những điệu hò xứ Nghệ mà mẹ hát cho anh nghe, và những câu chuyện mà cha anh kể lại về những vùng đất mà ông từng đi qua. Vị mặn nồng quê hương như theo lời ru của mẹ cứ thấm dần vào cảm xúc của một người con xa quê lâu ngày.

Đặc biệt, trong chuyến về Việt Nam đó, Hoàng đã được gặp lại bà nội của mình, dù cho tiếng Việt của Hoàng lúc bấy giờ chưa rành lắm. Nhưng tình thương yêu và sự chăm sóc của những người thân trong gia đình ở quê nhà đã trỗi dậy trong anh nỗi thiết tha trở lại Việt Nam và gắn bó lâu dài hơn với đất nước quê hương.

Sau chuyến thăm đó anh lại trở về Mỹ, tiếp tục học lấy bằng bác sỹ y khoa của Đại học Northwester. Cũng trong thời gian này anh đồng thời theo học thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Quản lý kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management cũng trực thuộc Đại học Northwestern) và tốt nghiệp hai trường này vào năm 2000.

Trong thời gian theo học Trường Y khoa, anh đã cùng các cộng sự xây dựng nhóm S2S Medical Publishing chuyên xuất bản sách, tài liệu học tập cho sinh viên y khoa, thành lập website medschool.com chuyên sâu nghiên cứu việc phát triển hệ thống học tập từ xa cho sinh viên y khoa và đã thu hút được hơn 25 triệu USD vốn đầu tư cho công trình này.

Trên 8 năm làm việc trong lĩnh vực y học, Hoàng đã có công trình nghiên cứu về chu kỳ và sự suy giảm của protein và sự phát triển của cấu trúc neuron, được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Biological Chemistry.

Năm 2000, Nguyễn Bảo Hoàng quay lại Việt Nam lần thứ hai để giúp một doanh nghiệp viễn thông Mỹ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Anh trở thành giám đốc điều hành cho Công ty Viễn thông Mỹ VITC tại khu vực châu Á - một công ty chuyên về giao thức Internet và công nghệ.

Trong suốt thời gian làm việc tại VITC, Hoàng đã góp sức biến công ty mới được thành lập, phát triển lớn mạnh và đạt doanh thu hơn 30 triệu USD hàng năm.

Bước ngoặt

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, Tập đoàn IDG cũng đã cân nhắc rất nhiều vì họ cũng chưa hình dung hết những khó khăn, thách thức mang tính đặc thù rất riêng biệt của thị trường Việt Nam.

Chỉ đến khi tỷ phú Mỹ Patrick J. McGovern - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG - tình cờ gặp Bảo Hoàng trong năm 2003, bài toán này mới tìm ra lời giải. Patrick không chỉ là người đặt nền móng cho lĩnh vực truyền thông trong ngành công nghệ thông tin mà còn có tầm nhìn rất rộng về tương lai và sự phát triển của lĩnh vực này.

Năm 2003, Nguyễn Bảo Hoàng tình cờ gặp ông Patrick McGovern - vào một buổi ăn sáng do Hội đồng thương mại Mỹ (Amcham) tổ chức cách đây hơn 6 năm. Họ trao đổi rất nhiều về tình hình công nghệ thông tin tại Việt Nam, về lĩnh vực truyền thông, viễn thông và về tương lai của chúng trong nhiều năm tới.

Sau đó ít lâu, bằng những lập luận của mình, Nguyễn Bảo Hoàng đã thuyết phục được hơn 300 nhà lãnh đạo của Tập đoàn IDG khi họ đồng ý đầu tư vào Việt Nam.

Hoàng cảm nhận được sự đồng cảm của Patrick khi ông chia sẻ với Hoàng về tương lai của việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, về niềm tin rằng ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và thu hút thật nhiều nhà đầu tư trong một tương lai không xa.

Hoàng cắt nghĩa đầu tư mạo hiểm là số vốn bỏ ra để đầu tư vào các công ty hoặc các nghiên cứu mang tính đổi mới và sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, nơi tiềm ẩn cả hai khả năng mất vốn hoặc thu được lợi nhuận cao đều có thể xảy ra.

Nhưng thực ra đối với Hoàng anh không thích dùng từ “mạo hiểm” lắm, và Hoàng thích dùng khái niệm đầu tư triển vọng hơn, bởi quỹ hỗ trợ cho những công ty mới, có nhiều tiềm năng phát triển. Tất nhiên, đối với việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, khả năng mất vốn và kinh doanh có lãi đều có thể xảy ra.

Hoàng nói: “Vốn đầu tư sẽ không hạn chế, mà điều quan trọng là doanh nghiệp xin cấp vốn phải chứng tỏ được tiềm năng của mình”. Anh cho biêt trong số gần 2.000 doanh nghiệp xin cấp vốn đầu tư trong năm 2007, chỉ có 13 doanh nghiệp được IDG Venture Việt Nam lựa chọn.

Ngoài ra, IDG Ventures Việt Nam còn đóng vai trò là cầu nối cho thị trường công nghệ thông tin ở Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. “Khi hiểu rõ thị trường Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu những công ty về công nghệ thông tin tốt nhất của Việt Nam tới các đối tác nước ngoài”, Hoàng nhấn mạnh. "

Friday 6 February 2009

NGUYỄN VIỆT TIẾN GÂY CHIA RẼ NỘI BỘ

Cuộc đối đầu giữa 2 phe trong Đảng hiện nay đang đến độ rất căng thẳng do nguyên nhân từ Nguyễn Việt Tiến. TBT Nông Đức Mạnh đang hậu thuẫn cho việc phục hồi chức vụ hoặc bố trí một chức vụ mới tốt hơn cho ông này. Điều này dẫn đến sự phản đối quyết liệt của CTN Nguyễn Minh Triết. Ông Triết đã chỉ trích thẳng ông Mạnh cùng ông Sang trong một cuộc họp BCT sau Tết và dọa rằng nếu việc đó xảy ra thì sẽ có những hậu quả khó lường.

Nhớ lại vào đầu năm 2006, lúc vụ án PMU-18 nổ ra cũng là lúc mà sự đấu đá tranh giành trước Đại hội X tới hồi quyết định. Vào lúc đó, nhóm miền Nam gồm ông Triết, ông Dũng, ông Sang đang thắng thế và dự định đặt ông Triết vào ghế TBT thay vì CTN. Dự định này được khởi động bằng vụ án PMU-18 bắt Bùi Tiến Dũng để nhắm tới Nguyễn Việt Tiến vì ông Tiến liên quan chặt chẽ với gia đình ông Mạnh. Con gái ông Mạnh làm cho PMU-18, chồng của chị này, tức con rễ ông Mạnh (tên Hải) cũng làm tại đó và là một nhân vật rất quan trọng trong việc củng cố thế lực cho Nguyễn Việt Tiến. Những bê bối của ông Dũng và ông Tiến đã lâu, ai cũng biết, mà cũng chẳng riêng gì PMU-18 hay 2 ông này, những vụ tham nhũng bê bối, ăn chơi xa hoa diễn ra ở hầu hết các quan chức; nhưng vào thời điểm chuẩn bị khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc thì nó được lựa chọn để phanh phui với mục tiêu chính trị là chính chứ không phải chống tham nhũng là chính. Do vậy phe miền Nam lúc đó đã thành công trong việc lôi Bùi Tiến Dũng và sau đó là Nguyễn Việt Tiến vào tù. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến cái ghế TBT có thể tái đắc cử cho ông Mạnh. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng bước tiếp theo là ông Hải con rễ của TBT cũng sẽ bị bắt. Mà như thế thì chưa cần biết thực sư, đúng sai thế nào, có liên quan gì không thì ông Mạnh cũng sẽ mất uy tín trầm trọng và sẽ phải tự rút lui vì không tự tin là sẽ được tái đắc cử.

Trong lúc tình hình đang thuận lợi như vậy, nhiều người tin rằng ông Triết sẽ nắm ghế TBT sau Đại Hội X thì bất ngờ xảy ra. Không hiểu vì lý do gì mà vào kỳ Hội nghị TW áp chót trước Đại Hội (là kỳ hội nghị quan trọng nhất mang tính quyết định) thì ông Triết chỉ có mặt 1 buổi đầu tiên rồi sau đó bỏ về Tp. HCM. Với thông điệp để lại là không muốn nhận ứng cử vào vị trí TBT. Phe miền Nam hoàn toàn bất ngờ và hơi hẫng. Rất nhiều người không hiểu được lý do vì sao anh Sáu Phong (tức ông Triết) lại bỏ dỡ như vậy. Có một số ý kiến cho rằng vì anh 6 muốn bảo về đàn em, không muốn sự đấu đá sẽ dẫn tới “tàn sát” nhau vì sau vụ PMU-18 nổ ra, ông Mai Ái Trực – một nhân vật thân cậy của anh 6 - lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, đang từ vị thế sáng giá có thể lên đảm nhận chức phó Thủ tướng sắp tới, thì bị những đe dọa nghiêm trọng về việc lý lịch và có thể bị truất phế. Có nhiều thư tố giác từ Bình Định gửi ra nói rằng ông Trực đã từng khai ra đồng đội trong thời gian bị tù thời trước 1975. Dù sẽ không làm được gì ông Triết và không cản được anh 6 nắm TBT nhưng chắc chắc là phe miền Bắc và ông Mạnh lúc đó cũng sẽ có những trả đũa quyết liệt, dẫn đến những thiệt hại nặng nề. Nên những ý kiến đó cho rằng anh 6 không muốn huynh đệ tương tàn nhau như vậy nên đã âm thầm rút khỏi mục tiêu TBT. Ông Trực sau đó cũng tuyên bố rút lui, không tiếp tục ứng cử vào TW Đảng.

Việc rút lui của anh 6 sau đó dẫn đến một sự thỏa hiệp với ông Mạnh và phe cánh miền Bắc. ông Mạnh vẫn làm TBT nhưng ông Sang sẽ kè sát ông Mạnh làm Thường trực Ban Bí Thư, ông Dũng làm Thủ tướng với những quyền lực được mở rộng hơn nhiều trước đây. Ông Triết làm Chủ tịch nước với những quyền hạn đúng như Hiến Pháp qui định mà không phải lúc nào cũng phải thông qua BCT. Kết quả Đại Hội X cuối cùng đã diễn ra như thế.

Chắc rằng ông Mạnh đã rất uất hận sau cái “deal” này, dù phải chấp nhận nhưng vẫn nuôi dưỡng những kế hoạch trả đủa. Cuối cùng ông ấy đã gặp thời khi ông Sang mâu thuẫn với ông Dũng và tách khỏi nhóm ông Triết để thêm sức mạnh cho ông Mạnh. Hiện nay thế lực của ông Mạnh và ông Sang rất mạnh. Hội nghị TW vừa rồi lại được bổ sung thêm 1 nhân vật là Tô Huy Rứa vào BCT. Ông Rứa này là phe ông Sang và ông Mạnh làm cho phe này chiếm đa số trong BCT. Trong khi đó ông Dũng và ông Triết đã thất bại trong việc đưa Nguyễn Thiện Nhân vào BCT.

Kế từ khi ông Sang về phe ông Mạnh, kế hoạch phục hồi cho Nguyễn Việt Tiến được bắt đầu. Việc không đưa ông Tiến ra xét xử để nhằm hạ uy tín của ông Dũng, người đã hô hào lớn tiến chống tham nhũng thông qua vụ án PMU-18, và để tăng thêm đối thủ của ông Dũng. Cho dù sau đó ông Dũng dùng hết quyền hạn của mình để tiến hành kỷ luật Nguyễn Việt Tiến để chứng minh với công luận quyết tâm chống tham nhũng của mình, nhưng việc này cũng không cản nổi kế hoạch đưa ông Tiến trở lại quyền lực của ông Mạnh và ông Sang. Do vậy việc này phải nhờ đến anh 6. Anh 6 đã chính thức phản đối việc này nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu gì là ông Tiến đang bị cản trở trong việc trở lại chính trường.

Chưa thể đoán được diễn tiến sắp tới sẽ ra sao. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông Mạnh mạnh và đắc thắng như bây giờ. Người ta cũng chưa bao giờ thấy ông ấy có được những nước cờ khôn ngoan về chính sách và đường lối phát triển đất nước tốt đẹp, nhưng lần này thì mọi ngượi lại ngạc nhiên với khả năng thủ đoạn trong đấu đá của ông ấy.

Sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến cho mọi người.